Nga “tung đòn kép” bằng tên lửa Iskander khiến Ukraine không kịp trở tay

Hồng Anh |

Thời gian gần đây, Nga đã thay đổi chiến thuật sử dụng tên lửa, với việc bắn liên tiếp hai hoặc nhiều tên lửa Iskander vào cùng một mục tiêu để gây thiệt hại tối đa cho đối phương.

Chiến thuật này đã khiến Ukraine choáng váng vì trước đó Nga chỉ phóng một tên lửa duy nhất vào một vị trí do vậy quân đội Ukraine có thể nhanh chóng thực hiện biện pháp ứng phó và điều chỉnh vị trí trên chiến trường. Sau khi Nga điều chỉnh lối đánh, với việc tung đòn tấn công thứ hai ngay sau đòn tấn công thứ nhất, quân đội Ukraine được cho là chịu tổn thất nghiêm trọng và điều đó cũng khiến họ bị “sốc”.

Nga “tung đòn kép” bằng tên lửa Iskander khiến Ukraine không kịp trở tay - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo Iskander. Ảnh: TASS

Thông tin trên do phóng viên chiến trường hàng đầu của Nga là Alexander Kots cung cấp, được đăng tải trên Eurasia Times. Một số kênh Telegram liên hệ với ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, sở dĩ Moscow có thể sử dụng nhiều tên lửa Iskander như vậy là do các nhà máy nước này đã mở rộng năng lực sản xuất tên lửa thành công bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Iskander là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, có tầm bắn lên tới 500km. Iskander hoạt động theo nguyên tắc bán đạn đạo, có trần bay 50km và hồi quyển để lao vào mục tiêu với đường bay khó đoán định. Tên lửa sở hữu khả năng tàng hình và phòng thủ chủ động để đánh lừa radar đối phương, trở thành một trong những loại vũ khí răn đe hiếm hoi có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ trên thế giới. Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Đầu đạn tên lửa có thể phá hủy các sở chỉ huy, trang thiết bị và hệ thống phòng không của đối phương”.

Cú đòn kép của Nga

Một số phương tiện truyền thông Nga dẫn lời phóng viên Alexander Kots cho biết, Nga đã sử dụng tên lửa chiến thuật tác chiến Iskander hiệu quả hơn, trong đó phải kể đến cuộc tấn công tại khu vực Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine.

“Trước đây Nga thường sử dụng tên lửa Iskander một cách riêng lẻ, nhưng giờ họ phóng cùng lúc nhiều tên lửa vào một mục tiêu”, ông Alexander Kots nói.

Cuộc tấn công thứ hai của tên lửa Iskander vào chính mục tiêu mà các tên lửa đầu tiên bắn trúng, khiến binh lính Ukraine “bất ngờ”, do họ đã “quen với các cuộc tấn công đơn lẻ” bằng Iskander như mọi khi. “Đầu tiên, Nga phóng 2 tên lửa vào mục tiêu đã xác định. Sau khi quân đội Ukraine tiếp cận hiện trường vụ nổ, Moscow tiếp tục phóng tên lửa thứ ba, bắn hạ nhiều nhân sự đối phương”.

Từ một số video khác không được tiết lộ, Alexander Kots cho rằng các cuộc tấn công này đã được sự hỗ trợ của các phương tiện trinh sát. “Nga đã cải thiện đáng kể năng lực trinh sát và kiểm soát mục tiêu, giúp họ có thể quan sát được mọi hành động của đối phương mà không bị chú ý”, Alexander Kots lưu ý.

Nga phóng nhiều tên lửa Iskander vào mục tiêu Ukraine. Nguồn: Twitter.

Loại phương tiện trinh sát mà Alexander Kots đề cập có thể là UAV trinh sát Sirius/Inokhodets-RU, một loại máy bay không người lái chiến đấu có độ bền cao của Nga, tương đương với MQ-9 Reaper của Mỹ. Thời gian gần đây, Nga đã chế tạo nhiều loại UAV tiên tiến, giúp tăng cường năng lực Tình báo-Giám sát-Trinh sát (ISR) và gia tăng khả năng tấn công chính xác.

“Thông thường, Nga chỉ phân bổ một tên lửa Iskander cho một mục tiêu. Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi. Tôi chứng kiến trong nhiều cuộc tấn công Iskander được triển khai đồng thời vào một mục tiêu”, ông Alexander Kots cho biết, đồng thời viện dẫn trường hợp 3 tên lửa Iskander lần lượt tấn công một nhà máy sản xuất xe bọc thép của Ukraine tại Kharkov.

Vẫn chưa rõ thời điểm diễn ra các cuộc tấn công trên, nhưng các tài liệu và video về hoạt động của tên lửa Iskander mà Bộ Quốc phòng Nga công bố đã tiết lộ một số manh mối.

Vào ngày 1/11, Nga cho biết, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Quân khu miền Tây đã tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. “Vụ phóng diễn ra cách xa tiền tuyến nhiều km nhưng đã vô hiệu hóa các mục tiêu”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ. 

Moscow cũng công bố video cho thấy một xe vận chuyển đạn tên lửa (TEL) và một bệ phóng tên lửa đang tiến sát nhau, sau đó, các binh sỹ nạp tên lửa Iskander-K cho bệ phóng, Tên lửa này có hình dạng khác biệt so với nhiều biến thể khác của Iskander. Khi hoàng hôn buông xuống, các binh sỹ Nga đã phóng hai tên lửa từ một hàng cây.

Đến ngày 17/11, Nga công bố một video khác cho thấy tổ hợp Iskander đang di chuyển vào vị trí bắn. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các đơn vị tên lửa đã bắn vào một trạm chỉ huy của Ukraine sau khi nhận được thông tin về tọa độ và họ nhanh chóng rời khỏi vị trí bắn để tránh đòn đáp trả của đối phương.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Tổ hợp này được trang bị cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, có khả năng gây nhiễu điện tử giả khi tiếp cận mục tiêu, khiến hệ thống phòng không của đối phương không thể đánh chặn. Tên lửa hành trình có thể bay ở độ cao cực thấp và bám sát địa hình. Vì thế rất khó phát hiện ra chúng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại