Đại sứ quán Nga tại Mỹ cùng ngày cũng xác nhận thông tin liên quan tới việc Đại sứ Nga tại Mỹ ông Anatoly Antonov sẽ bay trở về nước vào ngày 20/3 tới để tham vấn về tương lai mối quan hệ hai nước.
Dự kiến, ông Antonov sẽ dự các cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Nga và các cơ quan khác của Chính phủ nhằm thảo luận về các cách thức hàn gắn mối quan hệ Nga-Mỹ, vốn đang trong trạng thái khủng hoảng.
Phản ứng trên của Nga được đưa ra sau một loạt chính sách và tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ nhằm vào Nga.
Văn phòng tình báo Mỹ mới đây đã công bố một báo cáo chưa được phân loại về sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, trong đó cáo buộc rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng vai trò trong các nỗ lực nhằm làm suy yếu vị thế ứng cử của ông Biden.
Bình luận về diễn biến này trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền thông ABC News hôm qua, Tổng thống Mỹ đã cảnh báo, Nga sẽ phải “trả giá” vì những cáo buộc can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ.
Cùng ngày, phía Mỹ thông báo mở rộng các biện pháp hạn chế bao gồm ngăn chặn xuất khẩu tới Nga thêm nhiều mặt hàng nằm trong diện kiểm soát vì các lý do an ninh quốc gia, bao gồm một số công nghệ, phần mềm và linh kiện.
Trước đó, viện dẫn lý do này, phía Mỹ ngày 3/3 cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức cấp cao và 14 thực thể của Nga, bất chấp việc Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc và nêu rõ không có bằng chứng ông Navalny bị đầu độc.
Trong cuộc trả lời báo giới hôm qua, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov tiếp tục bác bỏ các cáo buộc của Mỹ:
“Chúng tôi không đồng ý với các cáo buộc nhằm vào Nga. Nga không can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ trước đây và trong cả cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020. Nga không có liên hệ gì tới các chiến dịch tranh cử của bất cứ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào. Đây là những cáo buộc vô căn cứ và không có bằng chứng. Những chính sách này của Mỹ chỉ gây tổn hại cho quan hệ Nga- Mỹ - vốn đã xấu đi thời gian qua. Những chính sách như vậy không mang lại thiện chí về chính trị nhằm góp phần bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.”
Phản ứng về quyết định của Nga, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter hôm qua đã từ chối cho biết liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có triệu hồi đại sứ của Mỹ tại Nga để tham vấn hay không. Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ làm việc với Nga để thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong khi vẫn buộc Nga phải chịu trách nhiệm trước những cáo buộc gần đây.
Đánh giá về những diễn biến trên trong quan hệ Nga- Mỹ, giới phân tích nhận định, trong khi những mâu thuẫn cũ trong quan hệ Nga- Mỹ chưa được tháo gỡ, những tranh cãi mới lại tiếp tục phát sinh.
Đây là minh chứng cho thấy “sự xuống dốc” không có điểm dừng trong quan hệ giữa hai nước lớn. Ông William Courtney – chuyên gia liên đoàn RAND – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách thế giới của Mỹ nói:
“Việc triệu đại sứ giữa các quốc gia của nhau thường xảy ra khi một quốc gia này có hành động không tôn trọng một quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Bai-đừn mới đây lại chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Tổng thống Nga. Đây là điều hiếm khi xảy ra khi một nhà lãnh đạo này đề cập đến một nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Mới đây, chính quyền Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Đây là những yếu tố khiến Nga buộc ra đưa ra động thái trên./.