Tướng Christopher Cavoli – Chỉ huy Lực lượng Lục quân Mỹ đóng tại Châu Âu, cho biết 20.000 lính Mỹ sẽ được triển khai đến Châu Âu trong năm tới và tại đây lực lượng này sẽ tham gia cùng với 9.000 quân Mỹ đang đóng tại đó.
Khoảng 37.000 binh sĩ sau đó sẽ tham gia vào các cuộc tập trận rầm rộ, quy mô lớn trải dài trên lãnh thổ của 10 quốc gia Châu Âu từ tháng Năm đến tháng Sáu, ông Cavoli cho các phóng viên biết tại Lầu Năm Góc.
Lực lượng đang đóng tại Mỹ sẽ bắt đầu đổ vào Châu Âu từ tháng Hai, đem theo 13.000 thiết bị vũ khí, trong đó có xe tăng, pháo binh và các phương tiện vận tải. Lực lượng này sẽ đi quãng đường 4.000km, Tướng Mỹ cho hay.
Đó sẽ là một thách thức lớn về mặt hậu cần bởi các tuyến đường sắt ở những nước cựu Xô-viết đều có khoảng cách đường ray nhỏ hơn của các nước phương Tây và cầu của các nước cựu Xô-viết không được xây dựng để có thể chịu được sức nặng của một chiếc xe tăng Abrams 70 tấn.
Cuộc tập trận mang tên Defender-Europe 20 (Bảo vệ Châu Âu 20) được xem là một bước ngoặt mang tính chiến lược của Mỹ sau khi nước này cắt giảm lực lượng ở Châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Trong khi Tướng Cavoli không nói rõ cuộc tập trận sắp tới của họ là nhằm vào Nga thì ông này khẳng định vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 làm thay đổi tất cả. Mục đích của cuộc tập trận là “để chứng minh năng lực của Mỹ trong việc có khả năng triển khai nhanh chóng một lực lượng hùng hậu đến để hỗ trợ Châu Âu và phản ứng trước bất kỳ cuộc khủng hoảng nào”, ông Cavoli nhấn mạnh.
Sẽ có tất cả 18 nước tham gia cuộc tập trận Defender-Europe 20 và các bài diễn tập sẽ diễn ra khắp 10 nước, trong đó có các nước chính là Đức, Anh, Na-uy, Thụy Điển, Canada, Italia, Ba Lan, Lithuania.....
Cuộc tập trận được tuyên bố là để rèn luyện năng lực phòng thủ toàn diện trước bất kỳ cuộc tấn công lớn nào nhằm vào NATO, như một cuộc xâm lược của Nga.
Thông tin chắc chắn sẽ khiến Moscow lo ngại và bất an bởi cuộc tập trận quy mô lớn của NATO diễn ra vào thời điểm khi mà Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.
Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.
Cả hai bên đều liên tiếp có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.