Tổng giám đốc Russian Helicopters, ông Andrey Boginsky cho biết, do hai nước vẫn chưa ký hợp đồng chính thức nên công ty vẫn đang tìm kiếm đối tác, cả ở Nga và Ấn Độ cho thương vụ trên.
Chủ thầu của chương trình là Công ty trực thăng Nga-Ấn Độ HLC JV – một liên doanh giữa Russian Helicopters và Tổ hợp hàng không Hindustan của Ấn Độ (HAL). Các công ty khác của hai nước cũng có thể dự thầu các gói cung cấp linh kiện, bộ phận của máy bay.
Theo đó, sẽ có 60 chiếc Ka-226T được sản xuất trực tiếp ở Nga và số còn lại sẽ được sản xuất tại Ấn Độ với tỷ lệ nội địa hóa 60-70%.
Điều này được ông Andrey Boginsky khẳng định trong một sự kiện tại Malaysia, qua đó cũng đính chính thông tin rằng Ấn Độ sẽ chỉ nhập nguyên chiếc 40 trực thăng Ka-226T như truyền thông Ấn Độ đưa hồi đầu năm nay.
Một chiếc Ka-226T của quân đội Nga. Ảnh: Def Post
Trước đó, tháng 5-2015, Hội đồng mua sắm quốc phòng của Ấn Độ đã chọn Ka-226T cho dự án trang bị trực thăng hạng nhẹ để thay thế hai dòng trực thăng Cheetah và Chetak đã lỗi thời trong lực lượng lục quân và không quân nước này.
Ngoài ra, từ tháng 5-2017, Russian Helicopters (công ty thành viên của Tập đoàn Rostec) mở khóa huấn luyện về Ka-226T dành cho đội ngũ phi công và kỹ thuật viên Ấn Độ.
Cũng trong chương trình này, công ty cung cấp 5 thiết bị mô phỏng buồng lái Ka-226T, trong đó 1 chiếc đặt tại Trung tâm huấn luyện Ulan-Ude ở Nga, còn 4 chiếc bàn giao cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Vào cuối năm đó, trong chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên cũng đã đạt thỏa thuận lắp ráp một phần hợp đồng Ka-226T tại Ấn Độ, góp phần thúc đẩy chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" do ông Modi đề ra từ khi mới nhậm chức.
Được Russian Helicopters phát triển vào năm 2008, trực thăng Ka-226T chính là một biến thể nâng cấp của mẫu trực thăng đa nhiệm Ka-226 (được NATO định danh là Hoodlum).
Sức mạnh của Ka-226T nằm ở thiết kế tiện dụng với hệ thống rotor cánh quạt đồng trục làm từ vật liệu composite, giúp máy bay đạt tốc độ tối đa 250km/giờ và tầm hoạt động 600km, khả năng chở được 7 người hoặc mang khoảng 1.100kg hàng hóa bên trong khoang lái hoặc ở các giá treo bên ngoài.
Với thiết kế nhỏ gọn, máy bay có thể cơ động dễ dàng trong điều kiện mật độ nhà cao tầng dày đặc hoặc trong vùng núi.
Đây là dòng trực thăng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, từ vai trò của một máy bay vận tải, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ y tế và di tản, tuần tra, huấn luyện... Ngoài ra, máy bay này cũng có thể được trang bị vũ khí tự động hạng nhẹ để hỗ trợ hỏa lực khi tham gia tác chiến.