Các vụ thử nghiệm hạt nhân khủng khiếp của Liên Xô thời kỳ chiến tranh Lạnh. Nguồn: Huanqiu.
Theo báo cáo của Sputnik (Nga) ngày 6/6, Thiếu tướng Igor Kolesnikov đứng đầu Cục 12 về Vũ khí hạt nhân chính thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga sẽ tiến hành các thí nghiệm phi hạt nhân trên thao trường Novaya Zemlya nhằm thẩm định độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân trong nước.
Mỹ cũng đang thực hiện theo hướng này và đang tiến hành thí nghiệm tương tự ở Nevada.
Thiếu tướng Igor Kolesnikov tuyên bố trong một chương trình phát sóng trực tiếp của đài truyền hình Red Star rằng, từ năm 1954 đến năm 1990, Nga đã tiến hành 132 vụ thử hạt nhân tại thao trường Novaya Zemlya.
Tuy nhiên, từ sau năm 1990, do lệnh cấm thử hạt nhân nên Nga đã không tiến hành thêm vụ thử hạt nhân nào tại bãi thử này.
Đến năm 1996, Liên bang Nga đã ký Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện và phê chuẩn vào năm 2000.
Tướng Kolesnikov nói: "Do đó, những gì chúng tôi đang làm bây giờ là một vụ thử phi hạt nhân. Mục đích của vụ thử phi hạt nhân là để xác nhận độ tin cậy của các loại vũ khí hạt nhân hiện có.
Cần phải nói rằng Mỹ cũng đang làm việc theo hướng này. Họ đang tiến hành thí nghiệm tương tự ở Nevada".
Báo cáo đề cập rằng, với sự kết thúc toàn diện của của các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, các vụ thử phi hạt nhân bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá độ tin cậy và an toàn của các kho vũ khí hạt nhân hiện có.
Đây là một phương pháp đặc biệt nhằm nghiên cứu các quá trình vật lý xảy ra trong điện tích hạt nhân. Vụ thử được thực hiện trong một bãi thử bom hạt nhân mô phỏng, và sẽ không có năng lượng hạt nhân được giải phóng do chuỗi phản ứng phân hạch hạt nhân của uranium 235 hoặc plutonium 239.
Được biết, Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân với khả năng răn đe khủng khiếp, trong chính sách phòng thủ của Nga, Moscow coi vũ khí hạt nhân chỉ là biện pháp răn đe và là biện pháp khẩn cấp.
Nước Nga đang cố gắng giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự gia tăng các mối quan hệ quốc tế có thể gây ra xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân, học thuyết nhấn mạnh.
Hồi tháng 6/2020, Tổng thống Nga Putin đã phê chuẩn “Nguyên tắc cơ bản của Chính sách Nhà nước Nga về răn đe hạt nhân” (“Fundamentals of Russia’s Nuclear Deterrence State Policy”), xác định tất cả các trường hợp cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc Nga tiến hành các vụ thử phi hạt nhân để đánh giá khả năng của kho vũ khí hạt nhân là điều cần thiết. Hành động này nhằm đảm bảo Nga có thể sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các trường hợp “được phép”.
Nga có thể triển khai đòn tấn công bằng vũ khí hạt nhân trong các trường hợp sau: Thứ nhất, điều đó liên quan đến việc “tập trung lực lượng nói chung, bao gồm cả phương tiện sử dụng vũ khí hạt nhân tại các vùng lân cận và các khu vực ngoài khơi liền kề Liên bang Nga và các đồng minh”.
Thứ hai, “việc triển khai các hệ thống và cơ sở phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tên lửa đạn đạo, vũ khí phi hạt nhân chính xác và siêu thanh, máy bay tấn công không người lái và vũ khí năng lượng trực tiếp của các quốc gia coi Liên bang Nga là một đối thủ tiềm năng”.
Thứ ba, “việc thành lập và triển khai trên không gian các cơ sở phòng thủ tên lửa chống đạn đạo và các hệ thống tấn công”.
Thứ tư, “sự sở hữu vũ khí hạt nhân và (hoặc) các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, cũng như các phương tiện để sử dụng chúng của các quốc gia có thể được sử dụng để chống lại Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga”.
Thứ năm, “sự phổ biến không kiểm soát của vũ khí hạt nhân, phương tiện sử dụng và công nghệ cũng như thiết bị sản xuất chúng”.
Thứ sáu, “việc triển khai vũ khí hạt nhân và phương tiện sử dụng chúng tại các quốc gia phi hạt nhân”.
Thứ bảy, lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ được đưa ra trong trường hợp có “quân địch tấn công vào các cơ sở quân sự và nhà nước quan trọng của Liên bang Nga, nếu không ngăn chặn, sẽ làm mất khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân”, cũng như “việc xâm lược bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga”.