Các pháo hạm AK-176MA dự kiến sẽ được trang bị trên các tàu hoạt động gần bờ của Hải quân Nga.
So sánh với các phiên bản trước, phiên bản AK-176MA có độ chính xác gấp đôi, khả năng bám bắt mục tiêu cũng tăng đáng kể, toàn bộ khối lượng hệ thống giảm xuống chỉ còn 9 tấn (so tới 16,8 tấn của phiên bản AK-176 nguyên bản).
Cơ quan báo chí của Công ty Arsenal cho biết, Hải quân Nga đã nhận được một số hệ thống pháo cỡ nòng 76,2mm tiên tiến với tính năng không chỉ ngang bằng các sản phẩm của nước ngoài mà còn vượt trội hơn ở một số điểm.
Nguyên mẫu AK-176MA với thiết kế tàng hình được thử nghiệm tại bãi thử trên mặt đất.
Các hệ thống pháo AK-176MA mới không chỉ được trang bị trên các tàu tuần tra thuộc đề án 22160, 23550 mà còn trên các tàu tên lửa thuộc đề án 22800 (lớp Karakurt) và đề án 1241.8.
Dự tính đến năm 2020, công ty Arsenal sẽ chuyển giao cho Hải quân Nga 22 pháo hạm AK-176MA. Hệ thống đầu tiên hiện đã được chuyển đến Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk để lắp đặt trên chiếc tàu đầu tiên (mang tên Vasily Bykov) thuộc đề án 22160.
AK-176MA được phát triển dựa trên pháo hạm AK-176 (trang bị từ năm 1979). Điểm khác biệt chính giữa AK-176MA với phiên bản tiền nhiệm nằm ở hệ thống quang điện Sfera-02, cho phép nó phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên đến 10km.
AK-176MA có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện mưa to, kể cả bão.
Hệ thống truyền động giúp nâng hạ nòng, bệ pháo được điều khiển bằng điện tử giúp tăng cường độ chính xác.
Việc kết hợp hiệu suất đạn đạo cao và hệ thống điều khiển điện tử giúp AK-176MA vượt trội hơn so với đối thủ của nó - pháo hạm OTO Melara 76mm của Italia (đang được 24 quốc gia trên thế giới sử dụng).
Theo chuyên gia quân sự Vladimir Shcherbakov, pháo hạm 76mm thực sự là một vũ khí đa năng có thể đối phó với nhiều mục tiêu khác nhau.