Nga tăng tốc "đánh bật" các siêu cường tại chảo lửa Trung Đông

Quý Hoàng |

Ông Putin dự kiến sẽ tăng cường thực hiện các đề xuất của nước này về an ninh vùng Vịnh – điều được đưa ra trong một văn bản của chính phủ vào tháng 7.

Giữa lúc Hezbollah và Israel leo thang căng thẳng, sau khi hai máy bay không người lái của Israel bị rơi ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã kêu gọi sự giúp đỡ không phải từ Hoa Kỳ hay cộng đồng quốc tế mà là từ Moscow. Đó là một dấn ấn thể hiện sức ảnh hưởng gia tăng của Nga trong chính trường Trung Đông.

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1989-91 đã khiến một số người Mỹ tuyên bố về một thế giới mới với Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất. Tuy nhiên, ông Vladimir Putin đã xây dựng lại dấu ấn quốc tế của Nga từ sau năm 2000 đến nay.

Đấu trường quan trọng của Nga

Zaur Gasimov, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại khoa nghiên cứu về Nga, Đại học Bonn nhận định, Syria và Trung Đông đã trở thành những đấu trường quan trọng để Nga phát huy sức mạnh quân sự và tăng cường sức nặng trên trường quốc tế.

Sự can thiệp của Nga vào Syria từ năm 2015 giúp Nga tiếp cận và có quyền sử dụng rộng hơn đối với căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim, Gasimov nói. "Sự trở lại của Nga ở Trung Đông đã khiến các nước theo truyền thống thân cận với Mỹ như Israel phải tìm kiếm sự đồng thuận với Moscow", chuyên gia này cho hay.

Quan hệ Moscow với Israel được chia thành nhiều lớp. Có khoảng một triệu công dân nói tiếng Nga sống ở Israel và họ có ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, theo ông Gasimov.

Con số này là 12% - 770.000 cử tri. Đối với cuộc bầu cử ngày 17/9, trụ sở đảng Likud ở Tel Aviv có treo một tấm áp phích lớn hình ảnh Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu bắt tay với ông Putin và ở một góc khác của trụ sở là tấm áp phích ông Netanyahu cùng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Moscow có hợp tác tình báo với Israel ở Syria - nơi Nga, cũng như Iran, ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Assad. Khi cả máy bay Nga và Israel đều hoạt động trên không phận Syria, họ lo ngại một sự cố tồi tệ hơn so với vụ máy bay F-16 của Israel rơi năm 2018 do một tên lửa đất đối không mà chính quyền Syria phóng ra.

Trong khi đó, Moscow có mối quan hệ phức tạp không kém với Tehran.

"Nga nhận thấy được Iran có thể vươn lên thành một cường quốc khu vực và đã đối trọng với điều này bằng cách phát triển mối quan hệ bền chặt hơn với Ankara", ông Gasimov nói và viện dẫn việc Moscow chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và tham gia phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Akkuyu.

Điều này cũng giúp cho Nga tăng cường doanh số vũ khí. "Việc triển khai S-400 ở Syria và Crimea [kể từ năm 2018] và một hệ thống phòng thủ tên lửa khác mà quân đội Syria sử dụng đã góp phần phổ biến vũ khí Nga trên phạm vi quốc tế", ông Gasimov nói.

Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua S-400 và thậm chí [Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip] Erdogan cho biết ông có kế hoạch mua cả S-500 [để bổ sung cho S-400].

Việc liên lạc giữa Nga với phía Saudi Arabia trong hai năm qua về điều phối các giới hạn sản xuất dầu có phần hạn chế nhưng việc Riyadh mua vũ khí, bao gồm cả thỏa thuận cho S-400 và chuyến thăm của Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud năm 2018 tới Moscow cho thấy cả hai bên muốn mở rộng các lựa chọn.

Nga "trội" hơn Mỹ?

Chiến lược Trung Đông của Nga là xác định lợi ích chiến lược và hành động để bảo đảm điều đó. Trong cuốn sách "Winners and Losers in the 'Arab Spring': Profiles in Chaos", nhà phân tích Yossi Alpher của Israel viết rằng, ông Putin đã tăng cường được thực lực sau những diễn biến hỗn loạn tại khu vực sau năm 2011 trong khi Hoa Kỳ còn gặp nhiều trắc trở, đặc biệt là sau những thay đổi nhân sự cấp cao liên tục trong bộ máy hoạch định chính sách chiến lược.

Trong khi ông Putin đã gặp Tổng thống Iran Hassan Rohani hai lần trong năm nay, chính quyền Trump hồi tháng 7 đã trừng phạt Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. Bất chấp chiến lược gây sức ép tối đa đối với Tehran, ông Trump vẫn cởi mở với việc gặp ông Rouhani.

Những nỗ lực của Nga tại Trung Đông cũng không ngừng nghỉ.

Quá trình hòa đàm Astana, nơi Nga tham gia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian cho cuộc xung đột Syria, vẫn đang diễn ra kể từ năm 2017 dù ông Zarif gần đây đề cập tới lập trường khác biệt rõ ràng giữa các bên. Sau hội nghị G7, ông Zarif cũng đã đến Moscow và gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Kể từ cuối tháng 8, phái viên Trung Đông của ông Putin, Mikhail Bogdanov đã có mặt ở vùng Vịnh để gặp Bộ trưởng Ngoại giao Oman Yusuf bin Alawi bin Abdullah và Cố vấn an ninh Quốc gia của UAE Tahnoon bin Zayed.

Bogdanov cũng đã tiếp đại sứ Israel tại Nga để thảo luận về vấn đề biên giới Lebanon-Israel. Liệu Nga có là trung gian hòa giải với Hezbollah không? Điều này có ảnh hưởng đến việc hạn chế xung đột giữa Israel và Hezbollah vào ngày 1/9 không?

Một nhà phân tích an ninh người Anh cho biết, tôi chưa nhìn thấy bất kỳ sự hòa giải nào nhưng dường như có một sự hiểu biết không được viết ra. Câu trả lời của Hezbollah và phản hồi của IDF [Lực lượng phòng vệ Israel] đã được tính toán. Hezbollah đã sử dụng tên lửa dẫn đường tầm ngắn, trong khi IDF bắn vào các cánh đồng trống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại