Nga, Syria hay người Kurd: Ai cứu Thổ Nhĩ Kỳ giữa "vũng lầy tử thần" Idlib?

Quốc Vinh |

Tổng thống Erdogan cần một lối thoát sau khi đã đổ hết nguồn lực nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn và sự ổn định ở miền Bắc Syria - ngay cả khi ông phải làm điều đó một mình.

Mắc kẹt ở Syria

Có ba lý do chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải triển khai sức mạnh quân sự ở Syria. Đầu tiên là dòng chảy của gần bốn triệu người tị nạn có nguy cơ lan sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai là ảnh hưởng của lực lượng người Kurd - thế lực đang có những động thái thiết lập các khu tự trị ở khu vực biên giới trong khi có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Thứ ba là sự xuất hiện của các khu vực ảnh hưởng của Nga và Iran ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Syria để ngăn chặn lực lượng người Kurd mà nước này cáo buộc có liên quan đến khủng bố; loại bỏ tàn dư cuối cùng của IS; và để ổn định tình hình vùng biên giới.

Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi các mục tiêu này bằng cách phối hợp với Nga, nhưng lại luôn trong tình trạng va chạm với lực lượng Syria. Các cuộc đụng độ gần đây giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Syria ở Idlib cho thấy sự phối hợp trên mặt đất ở Syria là không thể.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc thiết lập một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển thực sự.

Câu hỏi về người Kurd đã là động lực chính trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giờ là lúc Ankara cần nghĩ ra một lộ trình thoát khỏi cuộc xung đột hoặc giảm thiểu tác động của nó, trang Middle East Eye phân tích.

Lựa chọn

Tùy chọn đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ để rời khỏi mớ bòng bong Idlib là có một thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Assad.

Trở ngại chính trong việc nới lỏng lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đó là thái độ đối lập từ trước đến nay của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đối với người đồng cấp Assad.

Trên lý thuyết, quan hệ đối tác chiến lược của Tổng thống Erdogan với Nga sẽ dễ dàng dẫn đến một mối quan hệ tương tự với chính quyền Damascus, với logic rằng nó sẽ tạo ra liên minh mạnh nhất ở Syria và phục vụ tốt hơn lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn người Kurd.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó lại khó khăn trên thực tế, vì chính quyền của Tổng thống Erdogan có sự đối lập với nhà lãnh đạo Syria và một thỏa thuận như vậy sẽ được coi là một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga, Syria hay người Kurd: Ai cứu Thổ Nhĩ Kỳ giữa vũng lầy tử thần Idlib? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn để ngỏ khả năng phối hợp với chính quyền Assad.

Lựa chọn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ là thỏa thuận với người Kurd ở Syria. Đây sẽ là một bước đột phá, cả về chính trị trong nước và chính sách ở Syria, loại bỏ những hạn chế trong việc tăng cường quân sự hóa.

Nhưng thách thức chính đối với lựa chọn này sẽ là làn sóng chính trị trong nước, lập trường của phe đối lập chống lại Tổng thống Erdogan đối với vấn đề người Kurd trong Thổ Nhĩ Kỳ và viễn cảnh tự trị của người Kurd ở Syria.

Cuối cùng, lựa chọn thứ ba sẽ là thu hẹp trọng tâm, với các kế hoạch thiết lập các khu vực an toàn và các động thái chiến thuật để ngăn chặn người Kurd ở miền Bắc Syria.

Điều này sẽ liên quan đến việc thắt chặt biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn tiếp theo đến Thổ Nhĩ Kỳ và duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với Nga ở Syria. Iran cũng được cho là sẽ cùng chí hướng với Ankara vì mối lo ngại từ khủng bố.

Chiến lược này có thể có hiệu quả nếu Mỹ đồng ý về kế hoạch cho một khu vực an toàn giúp người Kurd tránh xa các lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thách thức ở đây là việc Mỹ chưa bao giờ cho thấy họ sẽ cam kết một cách tuyệt đối.

Tình hình cấp bách

Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ở Syria, và chính sách hiện tại đang khiến nước này phải trả giá quá lớn và không thể duy trì trong tương lai gần.

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có một mình ở Idlib, đối mặt với một thảm họa nhân đạo ở thành trì cuối cùng của phiến quân. Số lượng người tị nạn ở quy mô lớn là một vấn đề cấp bách ở Thổ Nhĩ Kỳ, và một trong những lý do khiến sự ủng hộ đối với đảng của ông Erdogan ngày càng giảm.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể không đưa ra lựa chọn. Tổng thống Erdogan cần một lối thoát sau khi đã đổ hết nguồn lực nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn và sự ổn định ở miền Bắc Syria - ngay cả khi ông phải làm điều đó một mình, vì tình hình đang trở nên cấp bách giữa bối cảnh chính trị khu vực đang phức tạp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại