Đặc phái viên Mỹ tại Syria James Jeffrey trước đó đã chuyển một yêu cầu chính thức tới Berlin kêu gọi nước này triển khai quân đội đến Syria để "thay thế một phần" lực lượng Mỹ và giúp phần còn lại chiến đấu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo Jeffrey, quân đội Đức sẽ giúp đỡ các đồng minh Mỹ của họ và hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng người Kurd, chiến đấu với tàn quân của nhóm khủng bố IS.
Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền Mỹ, người phát ngôn của chính phủ Steffen Seibert cho biết: Đức dự kiến sẽ tuân thủ các thỏa thuận hiện hành trong liên minh chống IS, điều này có nghĩa là chính phủ sẽ không triển khai thêm quân đội mặt đất tới Syria - điều đó không có trong thỏa thuận.
Người phát ngôn khẳng định thêm rằng Đức từ lâu đã có "đóng góp quan trọng và được quốc tế thừa nhận" trong cuộc chiến chống lại IS ở Syria và nói thêm rằng chính phủ đang thảo luận về các kế hoạch tiếp theo của nước này trong liên minh chống IS cùng với Washington.
Hiện tại, Đức đang cung cấp máy bay trinh sát, máy bay tiếp nhiên liệu và huấn luyện viên quân sự đóng quân tại Iraq, theo một phần trong thỏa thuận đối với liên minh chống IS của các quốc gia phương Tây.
Nhiệm vụ của các lực lượng Đức tại Syria hết hạn vào ngày 31/10, nhưng có thể được kéo dài bởi một quyết định của quốc hội. Trong chuyến công du gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tới Iraq, ông nói rằng chính phủ sẵn sàng gia hạn ủy quyền, nhưng cơ quan lập pháp của đất nước sẽ có tiếng nói cuối cùng trong vấn đề này.
Mỹ đã gây áp lực với Berlin để mở rộng sự hiện diện quân sự ở Syria. Tuy nhiên lời kêu gọi của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, chính phủ Đức đã chính thức từ chối triển khai thêm quân đội đến vùng đất này.