Chưa có giải pháp cho vấn đề lãnh thổ Nga-Nhật
Ngay sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ở nước này đã tổ chức cuộc thăm dò dư luận, và kết quả cho thấy rằng, 54% người Nhật không hài lòng với kết quả của chuyến thăm này.
Tại sao? Đó là bởi vì đa số người Nhật đã hy vọng rằng, Tổng thống Putin sẽ hứa trả lại "Vùng lãnh thổ phía bắc" (bao gồm các đảo Shikotan, Habomai, Iturup và Kunashir, thuộc quyền sở hữu của Liên Xô sau sự thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II).
Trong gần 70 năm nay, các chính trị gia Nhật Bản, cả phái tả lẫn phái hữu đều thể hiện mong muốn Nga trả lại cho nước này bốn hòn đảo Nam Kuril.
Những người Nhật cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước có thể cải thiện chỉ thông qua việc trả lại các hòn đảo này cho Tokyo.
Chuyên gia Piotr Tsvetov nói rằng, hầu hết người Nhật đều bị "mù" về chính trị. Tổng thống Vladimir Putin không thể một mình quyết định trả lại các đảo này cho Nhật Bản, hơn nữa, điều này có thể làm tổn hại lợi ích quốc gia và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Nga.
Thứ nhất là vì lý do an ninh
Nếu không kiểm soát được các đảo này thì Hải quân của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga không có lối ra khỏi cảng Vladivostok.
Hơn nữa, nếu Nga trả lại những đảo này, hoàn toàn có thể là trong tương lai chúng có thể trở thành những tiền đồn chống Nga.
Nga đã triển khai nhiều hệ thống vũ khí bảo vệ 4 đảo Kuril
Trước chuyến thăm của ông Putin, báo chí Nhật Bản đã dẫn tuyên bố của những chính khách nước này cho rằng, không loại trừ khả năng sau khi Moscow trả các đảo này cho Tokyo, ở đó sẽ triển khai các căn cứ quân sự Mỹ và đương nhiên là Hoa Kỳ sẽ sử dụng để chống Nga.
Thứ hai là về bản thân ông Putin
Ngay cả nếu không có những ảnh hưởng nguy hại về an ninh, Tổng thống Nga Putin vẫn không thể trao trả một phần lãnh thổ của quốc gia cho nước ngoài, nếu ông làm như vậy thì sẽ mất đi sự ủng hộ của nhân dân và quốc hội và chắc sẽ bị bãi chức Tổng thống.
Hơn nữa, các sự vụ có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Tổng thống Nga không thể tự quyết mà phải được quốc hội phê duyệt. Do đó, ông Putin không thể một mình đưa ra quyết định.
Nhật và Nga giải quyết vấn đề này như thế nào?
Mặc dù hiểu rõ điều này, song do sức ép ở trong nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải thường xuyên nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh thổ với phía Nga.
Nếu không, chính ông Abe cũng có thể bị bãi chức và cử tri Nhật sẽ lên án ông ta như một kẻ phản bội.
Có vẻ là, trong các cuộc hội đàm vào những ngày 14-15 tháng 12, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe đã chọn lựa hướng đi đúng đắn, họ không tranh cãi về quyền sở hữu các đảo mà đạt được thỏa thuận về hoạt động kinh doanh chung ở đó, kể cả trong lĩnh vực thủy sản.
Ngoài ra, ông Putin hứa sẽ giảm nhẹ các quy định để tạo điều kiện cho những người Nhật đã sống trên quần đảo Kuril trước chiến tranh có thể đến thăm các hòn đảo này.
Kết quả tích cực của chuyến thăm này chỉ ra một thực tế là ông Putin và ông Abe không đưa ra các bản đồ và tài liệu lịch sử khác để chứng minh sự đúng đắn của mình, mà các ông đã để cho các sự kiện của quá khứ duy trì trong sử sách, hiện tại nên tập trung nỗ lực để xây dựng tương lai.
Vị chuyên gia Nga nếu quan điểm rằng, liệu các nước khác với những tranh chấp lãnh thổ có thể sử dụng những kinh nghiệm phát triển kinh tế chung trên quần đảo Kuril?
Điều này phải chờ thời gian sẽ trả lời. Song, nếu những quan chức sẽ được giao nhiệm vụ thực hiện các thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo có thái độ thiếu trách nhiệm, lơ là công việc thì có thể làm hỏng mọi thứ.
Ông Tsvetov còn chỉ ra rằng, đối với vấn đề chủ quyền bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, Philippines và Trung Quốc đã gạt bỏ những tranh chấp lãnh thổ và đang đồng ý về các hoạt động kinh tế chung tại đó. Có lẽ đây là một xu hướng? Hoặc chỉ đơn giản một dấu hiệu tốt duy nhất?…
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không đồng tình với quan điểm này, bởi mỗi nước, mỗi vấn đề tranh chấp có những điều kiện lịch sử khác nhau, chủ quyền lãnh thổ của quốc gia là thiêng liêng, là không thể mặc cả, đặc biệt là không thể thỏa hiệp với những hành động xâm lược.