Theo hãng thông tấn TASS của Nga, công tác thiết kế sơ bộ đã hoàn tất. Trung tâm nghiên cứu cấp nhà nước Krylov là đơn vị chịu trách nhiệm chính cho việc thiết kế chi tiết lớp chiến chiếc hạm này.
Trước đó, Phòng thiết kế thuộc Trung tâm Krylov đã đề xuất 2 phương án dành cho tàu khu trục Lider. Một là tàu sẽ sử dụng động cơ tua-bin thông thường và có lượng giãn nước 10.000-12.000 tấn; hai là tàu sử dụng một lò phản ứng hạt nhân cho động cơ và lượng giãn nước sẽ nâng lên tới 19.000 tấn.
Cuối cùng, Bộ Quốc phòng Nga chọn cấu hình thứ 2 cho lớp Lider.
Theo chương trình mua sắm vũ khi của Nga giai đoạn 2018-2027, thì bản thiết kế chi tiết của tàu khu trục lớp Lider sẽ được hoàn thành trong năm 2021 và công tác đóng tàu sẽ được triển khai ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga nhất trí với mẫu thiết kế này.
Thông số kỹ thuật chi tiết dự kiến của tàu khu trục mới chưa được tiết lộ, nhưng theo TASS, tàu khu trục lớp Lider có thể dài tới 230m, trang bị hàng trăm tên lửa hiện đại nhất của Nga như tên lửa hành trình diệt hạm Kalibr và Onyx, tên lửa phòng không S-500 thế hệ mới, tên lửa siêu thanh Zircon hay ngư lôi đa năng Paket-NK...
Tuy nhiên quá trình đóng tàu có thể lên tới 7 năm và tiêu tốn khoảng 100 tỷ rúp (khoảng 1,47 tỷ USD) cho mỗi chiếc.
Chỉ nói riêng đến lượng giãn nước 19.000 tấn thì lớp Lider có thể được gọi là một tuần dương hạm hạt nhân hạng nặng. Ngoài ra, lớp tàu khu trục mới này chắc chắn sẽ được trang bị công nghệ hiện đại nhất hiện nay, bao gồm công nghệ tàng hình tiên tiến.
Dự kiến Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt Tổng công ty đóng tàu Thống Nhất của nước này đóng 2 chiếc trước.
Tàu khu trục lớp Lider được cho là sẽ thay thế một loạt các tàu chiến cũ kỹ đang trong biên chế của Hải quân Nga như tàu khu trục lớp Sovremennyy, tuần dương hạm lớp Slava, tàu khu trục lớp Udaloy, hay tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov.