Các máy bay MiG-31 của Nga mang tên lửa siêu thanh Kinzhal bay trên Quảng trưởng Đỏ trong cuộc diễu hành quân sự Ngày Chiến thắng ở Moscow ngày 9/5/2018. Ảnh: Getty
Tổng thống Nga Vladimir Putin không bỏ lỡ cơ hội khẳng định tốc độ phát triển tên lửa siêu thanh của quốc gia này khi mới đây thông báo rằng, tên lửa siêu thanh Zircon đang hoàn tất nhiều cuộc thử nghiệm và sẵn sàng bàn giao cho hải quân Nga vào năm 2022, nhanh hơn so với dự kiến.
Đây là một bước ngoặt trong cuộc đua tên lửa siêu thanh và khiến giới chức Washington lo ngại rằng Mỹ cần tăng tốc nếu không muốn bị tụt hậu trong cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo.
Điều gì khiến cho những tên lửa đạn đạo bay ở tốc độ siêu thanh trở nên đặc biệt tới vậy? Điểm khác biệt căn bản là các tên lửa đạn đạo di chuyển theo một đường bay dễ theo dõi khi nhắm đến mục tiêu, trong khi các tên lửa siêu thanh có thể thay đổi đường đi và di chuyển linh hoạt để nhắm tới mục tiêu cuối cùng, do đó, rất khó để theo dấu chúng.
Các tên lửa siêu thanh không phải là những phương tiện quân sự mới nhưng tốc độ mà Moscow và Bắc Kinh đang đầu tư vào những chương trình này lại rất đáng chú ý.
Có hai vấn đề quan trọng cần quan tâm ở đây. Thứ nhất, không giống như Mỹ, cả Nga và Trung Quốc được cho là đều thiết kế để đặt các đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa siêu thanh của mình.
Thứ hai, hiện không có thỏa thuận quốc tế hay hiệp định nào hạn chế hoặc giám sát các tên lửa siêu thanh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thiếu một chiến dịch ngoại giao kiểm soát vũ trang quốc tế và làm dấy lên nguy cơ về cuộc chạy đua vũ trang 3 bên.
Nga đang phát triển các tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân là Avangard và 3M22 Tsirkon (hay Zircon). Từ quan điểm của Moscow, tên lửa siêu thanh giúp khôi phục sự cân bằng chiến lược giữa Nga và phương Tây sau khi Mỹ và các đồng minh đầu tư vào những hệ thống phòng thủ tên lửa để vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Nếu như các ICBM của Nga không thể lọt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thì chắc chắn các tên lửa siêu thanh có thể làm điều đó.
Trước thực tế này, Lầu Năm Góc đang nỗ lực làm mọi thứ có thể, trong đó yêu cầu Quốc hội chi thêm ngân sách. Trong năm tài khóa 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu 3,8 tỷ USD để phát triển các hệ thống vũ khí siêu thanh và gần 250 triệu USD phát triển hệ thống phòng thủ vũ khí siêu thanh.
Lầu Năm Góc đã triển khai nhiều chương trình phát triển tên lửa siêu thanh nhưng theo Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, sẽ không có tên lửa siêu thanh nào sẵn sàng đi vào vận hành cho tới ít nhất là năm 2023.
Trong khi đó, với tuyên bố sẵn sàng triển khai tên lửa siêu thanh cho quân đội vào năm 2022, Nga đang dẫn trước cuộc đua./.