Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình

Thu Hằng |

Chỉ trong 9 tháng tham chiến, tàu ngầm USS Tang đã đánh đắm tổng cộng 33 tàu địch, trở thành con tàu lừng lẫy nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Nhưng con tàu anh hùng đã ở lại dưới đáy đại dương vì trúng quả ngư lôi do chính nó phóng đi.

Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình - Ảnh 1.

Tàu ngầm USS Tang ngoài khởi xưởng đóng tàu Hải quân đảo Mare, bang California ngày 2/12/1943. Ảnh: Hải quân Mỹ/Wikipedia

USS Tang là tàu ngầm thành công nhất của Hải quân Mỹ, nó đã đánh đắm tổng cộng trên 100.000 tấn tải trọng tàu kẻ thù trong năm sứ mạng chiến đấu vào cuối Thế chiến thứ hai. Thủy thủ đoàn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của tàu đã làm kinh hồn phát xít Nhật. Thế nhưng USS Tang lại bị đắm không phải bởi hỏa lực của kẻ thù mà bởi một trong những quả ngư lôi của chính nó.

Vào thời điểm bị chìm, USS Tang vừa hoàn thành cuộc tuần tra chiến đấu thứ tư và đang hoạt động trên khu vực Eo biển Đài Loan trong sứ mạng thứ năm. Chỉ riêng trong lần tuần tra này, con tàu đã đánh chìm một loạt tàu đối phương và làm hư hại nhiều tàu khác. Tuy nhiên vào đêm 24/10/1944, một cái kết không may mắn đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp lẫy lừng của con tàu.

USS Tang là một tàu ngầm lớp Balao, được đóng tại Xưởng tàu Hải quân đảo Mare vào năm 1943. Con tàu dài trên 100 mét, có lượng choán nước trên 1.600 tấn. Nó có khả năng mang theo 24 quả ngư lôi và động cơ đẩy diesel điện có thể đạt tốc độ mặt nước tối đa là 37km/giờ.

Tàu USS Tang được chỉ huy bởi thuyền trưởng Richard O’Kane, người trước đó đã phục vụ năm sứ mạng tuần tra chiến đấu với tàu USS Wahoo.

Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình - Ảnh 2.

Tàu ngầm USS Tang trở lại Trân Châu cảng sau cuộc tuần tra chiến đấu thứ hai, ngày 15/5/1944. Ảnh: Hải quân Mỹ

Con tàu ngầm anh hùng

Mặc dù được đưa vào phục vụ khá muộn trong cuộc Đại chiến thế giới thứ hai, nhưng USS Tang đã trở thành con tàu ngầm thành công nhất của Hải quân Mỹ trong cuộc chiến này.

Chuyến tuần tra chiến đấu đầu tiên bắt đầu vào ngày 22/1/1944, khi USS Tang rời Trân Châu cảng nhằm hướng đảo Caroline và quần đảo Mariana. Gần như ngay lập tức nó phát hiện nhóm tàu Nhật Bản và bắt đầu tấn công, đánh chìm một tàu vận tải địch rồi lặn xuống để tránh hỏa lực đáp trả. Sau một loạt những cuộc giao tranh tương tự, USS Tang đã kết thúc sứ mạng chiến tranh đầu tiên với 6 lần tiêu diệt tàu địch, đánh đắm số tàu địch có tổng trọng tải khoảng 18.000 tấn.

Cuộc tuần tra thứ hai của USS Tang không gây ấn tượng bằng lần thứ nhất khi không thực hiện được cú đòn chết người nào. Hải trình bắt đầu vào ngày 16/3/1944, con tàu đi quanh quần đảo Palau, vịnh Davao và Truk. Một trong những hành động đáng chú ý của tàu ở chuyến đi này là giải cứu 22 phi công và đưa họ tới Hawaii.

Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình - Ảnh 3.

Thủy thủ tàu USS Tang giải cứu các phi công rơi xuống biển ngoài khơi đảo Truk, ngày 1/5/1944. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ở cuộc tuần tra chiến đấu thứ ba, tàu USS Tang đã đánh đắm cả thảy 10 tàu chiến địch. Sứ mạng này bắt đầu vào 8/6/1944, với vùng hoạt động chủ yếu ở biển Hoàng Hải và Hoa Đông. Con tàu nhanh chóng đối đầu với một nhóm tàu lớn của Nhật, với khoảng trên 20 chiến hạm, hầu hết là tàu hộ tống vũ trang.

USS Tang đã dũng cảm thực hiện một cuộc tấn công nhanh vào nhóm tàu, nã ngư lôi vào hai mục tiêu riêng rẽ và tiêu diệt hai tàu địch. Tuy nhiên, hồ sơ của phía Nhật Bản sau đó tiết lộ tàu ngầm USS Tang thực ra đã đánh đắm bốn tàu của Nhật, hai tàu còn lại có khả năng đã vô tình lao vào đường đi của ngư lôi.

USS Tang còn phát hiện một tàu địch khác vào tháng 6, nó tấn công nhanh rồi lặn ngay xuống biển để tránh đòn phòng thủ của đối phương. Con tàu nhanh chóng nổi trở lại và phóng thêm một quả ngư lôi, xé đôi chiến hạm Nhật và đồng thời tiêu diệt 3.200 quân địch. Con tàu ngầm lớp Balao kết thúc sứ mạng tuần tra thứ ba với chiến công đánh chìm tổng cộng trên 40.000 tấn tải trọng tàu địch xuống đáy biển.

Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Tiếp đó, cuộc tuần tra chiến đấu thứ tư của USS Tang diễn ra từ ngày 31/7 đến ngày 3/9/1944 và cũng lập những chiến công không kém lần trước. Con tàu hạ thêm 7 tàu địch, và một trong số đó thậm chí bị phá hủy chỉ bởi khẩu súng đặt trên nóc tàu.

Cái kết hy hữu

Khi USS Tang bắt đầu chuyến tuần tra chiến tranh lần thứ năm, nó đã trở thành một trong những tàu ngầm dày dạn kinh nghiệm nhất, lập nhiều chiến công nhất của Hải quân Mỹ. Con tàu thực hiện tuần tra khu vực Eo biển Đài Loan, khi đó là một trong những vùng biển quan trọng nhất của phát xít Nhật. Nó đã đánh chìm hai tàu chở hàng vào đêm 10/10 rồi tiếp tục chuyến “đi săn”.

Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình - Ảnh 5.

Mô hình bằng gỗ kỷ niệm tàu ngầm USS Tang.

Vào ngày 23/10, USS Tang phát hiện một nhóm lớn tàu Nhật Bản, và thuyền trưởng O’Kane đã quyết định sẽ tấn công vào ban đêm.

Không chút sợ hãi, USS Tang vọt nổi lên giữa nhóm tàu địch và bắt đầu phóng ngư lôi vào các tàu xung quanh trong một trận chiến hỗn loạn đầy kinh ngạc.

Chiếc tàu ngầm đơn thương độc mã vừa chống trả các cuộc tấn công, vừa tìm cách gây hư hại và đánh chìm một số tàu địch. Tang nhận thấy hai tàu chở hàng đang lao vào mình, vì thế nó đã thực hiện một cú né rất lẹ làng, khiến hai tàu Nhật tự đâm vào nhau. Cuối cùng chiếc tàu ngầm Mỹ kết liễu cả hai tàu địch bằng những quả ngư lôi.

Trong lúc ba tàu địch khác đang lao với tốc độ nhanh về phía mình, tàu USS Tang nhanh chóng rút khỏi mặt nước, để lại một cảnh tượng hủy diệt sau lưng.

Tối hôm đó, USS Tang lại tấn công một nhóm lớn tàu địch khác, phóng nốt số ngư lôi còn lại và đánh đắm thêm một số tàu.

Tới rạng sáng ngày 25/10, nó phóng quả ngư lôi cuối cùng, một quả ngư lôi điện Mark 18. Tuy nhiên, thay vì phóng đi thẳng, quả ngư lôi lại đi đường vòng, quay đầu ngược trở lại USS Tang khiến con tàu mẹ không kịp né. Chỉ 20 giây sau khi phóng, quả ngư lôi lao trúng phòng ngư lôi phía sau tàu Tang, giết chết lập tức một nửa thủy thủ đoàn 87 thành viên. Nước tràn vào đuôi tàu ngầm khiến nó bắt đầu chìm.

Cho tới nay lý do trục trặc của quả ngư lôi vẫn chưa được biết đến.

Hy hữu tàu ngầm lừng lẫy nhất của Hải quân Mỹ trúng ngư lôi của chính mình - Ảnh 6.

Thuyền trưởng O'Kane (đội mũ quân phục) cùng các phi công được tàu USS Tang giải cứu.

Tàu ngầm USS Tang chìm xuống đáy đại dương, ở khu vực chỉ sâu 55 mét so với mặt nước biển. Những người sống sót sau vụ nổ vẫn ở bên trong tàu, trong đó có thuyền trưởng O’Kane, tìm cách di chuyển đến những khoang chưa bị phá hủy. Họ khẩn trương tiêu hủy các tài liệu nhay cảm trong tàu và bắt đầu tìm cách thoát ra ngoài. 13 người đã thoát khỏi tàu, nhưng chỉ có 8 người lên đến được mặt nước.

Sáng hôm sau, một tàu khu trục Nhật Bản đã kéo được 9 thủy thủ sống sót từ mặt biển. Ngay khi nhận ra họ chính là chủ nhân của con tàu gây nhiều thiệt hại với quân Nhật vào đêm hôm trước, lính Nhật đã đánh đập các thủy thủ tàu USS Tang đến gần chết.

Cuối cùng họ được đưa tới trại tù binh chiến tranh Ofuna, và tiếp tục bị đánh đập tàn bạo. Đến khi kết thúc chiến tranh, chỉ có 5 cựu thủy thủ tàu USS Tang sống sót.

Trong 5 cuộc tuần tra chiến đấu của mình, USS Tang đã đánh đắm tổng cộng 33 tàu địch, trở thành con tàu lừng lẫy nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ. Tàu được tặng thưởng bốn ngôi sao chiến đấu và hai Huy hiệu Presidential Unit Citation. Thuyền trưởng O’Kane được trao tặng Huân chương Danh dự nhờ vai trò của ông trong những chiến công của con tàu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại