Hiệp ước INF sụp đổ: Nga - Mỹ đều được "cởi trói"
Theo chuyên gia quân sự Sergey Marzhetsky của tờ Topcor, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang khiến thế giởi trở thành một nơi nguy hiểm hơn trước. Giờ đây, Washington hoàn toàn có thể triển khai thêm các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn tới các nước đồng minh ở châu Âu nhưng người Nga cũng sẽ có những hành động đáp trả tương xứng.
Ngoài các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang theo đầu đạn hạt nhân, Quân đội Nga vẫn có trong tay các loại vũ khí phi hạt nhân đủ sức răn đe đối phương. Điển hình như các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật (SRBM), được thiết kế để phá hủy các sở chỉ huy, hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống phòng không và nếu cần chúng cũng có thể trở thành vũ khí hạt nhân.
Nổi bất nhất trong số các tên lửa SRBM của Quân đội Nga vẫn là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander, với khả năng tác chiến có thể so sánh với một cuộc tập kích bằng máy bay ném bom của NATO. Ngoài tầm bắn xa, Iskander cũng được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ của đối phương, có thể nói nó gần như không thể bị đánh chặn.
Không phải tự nhiên mà cả Mỹ và NATO đều đánh giá Iskander là vũ khí phi hạt nhân đáng gờm nhất của Quân đội Nga.
Hiện tại, 9K720 Iskander được phát triển thành hai biến thể một là tên lửa đạn đạo 9M723 (Iskander-M), hai là tên lửa hành trình 9M728 (Iskander-K). Hạn chế duy nhất của hai biến thể này chính là tầm bắn, chỉ dưới 500km theo hiệp ước INF.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander của Nga. Ảnh: Caspian News.
Tuy nhiên, khi hiệp ước INF hết hiệu lực, cả Nga và Mỹ đều không còn bất cứ ràng buộc nào trong việc phát triển hay mở rộng tầm bắn của các dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới có tầm bắn trên 500km.
Điều khá ngạc nhiên là chỉ 4 tháng sau khi đơn phương rút khỏi INF, Lầu Năm Góc đã có thể hoàn tất việc phát triển và thử nghiệm dòng tên lửa đạn đạo tầm trung mới. Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá là có khả năng tác chiến tương tự như Iskander-M của người Nga.
Nga phát triển 7 tên lửa mới cho Iskander
Ở thời điểm hiện tại, Lục quân Mỹ chỉ được trang bị duy nhất một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật là MGM-140 ATACMS (Hệ thống tên lửa cấp chiến thuật lục quân). Dựa trên các tính năng kỹ chiến thuật của ATACMS, rõ ràng nó lỗi thời hơn nhiều so với Iskander-M, tầm bắn chỉ có tầm bắn 270km (so với 500km) và mang theo một đầu đạn 227kg (so với 480kg).
Ngay cả người Mỹ cũng phải thừa nhận một sự thật rằng Iskander-M có độ chính xác cao hơn nhiều lần so với ATACMS.
Chính vì lý do này Quân đội Mỹ đang tập trung phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật mới có tên mã là PrSM thuộc chương trình tên lửa tấn công chính xác tiên tiến nhằm thay thế ATACMS.
Về cơ bản PrSM sẽ sử dụng chung hệ thống phóng của ATACMS, nó sẽ được trang bị đạn tên lửa mới có độ tấn công chính xác và tầm bắn tốt hơn so với ATACMS. Ở giai đoạn đầu của chương trình, tầm bắn của PrSM chỉ được giới hạn ở 499km thế nhưng ngay sau khi Mỹ rút khỏi INF con số này đã tăng 750km.
Dựa trên nền tảng của ATACMS, Quân đội Mỹ đang cố gắng phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật mới có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn. Ảnh: Defense News.
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự người Nga Konstantin Sivkov, tên lửa PrSM của Mỹ nhiều khả năng sẽ được trang bị đầu đạn nặng 450kg tương tự Iskander-M và cũng được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng thủ của kẻ thù.
Sivkov cũng nhận định rằng Mỹ hoàn toàn có thể biến PrSM thành vũ khí hạt nhân nếu họ muốn. Rõ ràng, người Mỹ không muốn PrSM thua kém hơn so với Iskander-M kể cả khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Còn theo cây bút Sergey Marzhetsky, sự sụp đổ của hiệp ước INF hóa ra đã giúp Nga "cởi trói" cho 9K720 Iskander, biến nó hành một vũ khí răn đe hiệu quả. Điều này càng được khẳng định khi Nga cho ra mắt tên lửa hành trình 9M729 (Iskander-M) có tầm bắn lên đến 2.500km.
Cũng theo Sergey Marzhetsky, Bộ Quốc phòng Nga hiện đang nghiên cứu phát triển thêm ít nhất bảy mẫu tên lửa khác cho 9K720 Iskander. Nếu các tên lửa trên được đưa vào trang bị rõ ràng chúng sẽ tạo ra những thách thức an ninh không hề nhỏ cho Mỹ và cả các nước châu Âu.
Tên lửa Iskander tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách hơn 200km trong một thử nghiệm vào năm 2016.