Trong thông báo trên Telegram, cựu Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, hiện là lãnh đạo nhóm cố vấn quân sự "Sói Sa hoàng" (một nhóm các chuyên gia quân sự chuyên cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Nga ở Donbass) cho biết, nước này sẽ sớm trang bị những vũ khí lợi hại cho máy bay không người lái hạng nặng, từ mìn cỡ 82 hoặc 120 mm đến bom FAB-100.
Theo các chuyên gia quân sự, nhiều khả năng ông Rogozin đang đề cập đến khả năng triển khai máy bay không người lái Sirius (Inokhodets-RU) do Tập đoàn Kronstadt của Nga có trụ sở tại St. Petersburg phát triển.
Tính năng của UAV Sirius
Sirrius là máy bay không người lái hạng nặng, với trọng lượng 2,5 tấn, có thể mang theo 450 kg vũ khí trong đó có bom FAB-100 nặng 100kg và có khả năng bay liên tục trong 20 giờ, ở độ cao 7.000 m.
Dù chủ yếu đảm nhiệm vai trò tấn công nhưng Sirius cũng có thể được sử dụng để tuần tra các khu vực nhất định, nhằm lấp đầy lỗ hổng phòng thủ bằng khả năng tấn công nhanh chóng và tiêu diệt những mục tiêu cỡ nhỏ, hay các nhóm trinh sát của đối phương.
Nhờ trang bị hệ thống radar khẩu độ tổng hợp SAR, Sirius có thể lập bản đồ địa hình để phóng tên lửa hành trình hoặc điều chỉnh hoạt động của pháo binh.
Theo tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay không người lái Sirius của Nga đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/2. Nga đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay này tại khu vực Dubna gần Moscow.
Theo các nguồn tin của Nga, máy bay không người lái Sirius nhiều khả năng sẽ được đưa vào hoạt động ở Ukraine trong tương lai gần. Điều này cũng đã được ông Rogozin nhắc đến trong một thông báo trên Telegram.
Khác với máy bay không người lái Orion - chủ yếu được sử dụng cho chiến thuật tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), UAV Sirius có thiết bị liên lạc vệ tinh đầu cuối tích hợp, giúp nó có phạm vi hoạt động xa hơn nhiều.
Ngoài ra, UAV này còn có một bộ liên lạc, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát của lực lượng vận hành dưới mặt đất, mà còn giúp nó phối hợp với các đội hình máy bay có người lái. Do đó, UAV Sirius có thể là một phần của đội hình chiến đấu hỗn hợp.
Theo TASS, Sirius đã được thử nghiệm cùng với máy bay có người lái kể từ tháng 8/2022. Khi được triển khai trong đội hình chiến đấu, Sirius nhiều khả năng sẽ bay dưới sự bảo vệ của các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-35S và Su-30SM.
Máy bay không người lái Sirius. Ảnh: Twitter
Các máy bay chiến đấu của Nga bay tuần tra trên không theo cặp với thời lượng 24/7. Mỗi cặp phụ trách một khu vực khác nhau dọc theo chiến trường.
Chúng có nhiệm vụ thiết lập hàng phòng thủ, đảm bảo an toàn cho trực thăng và các máy bay chiến đấu khác của Nga như Su-24, Su-34, đồng thời ngăn chặn máy bay đối phương tấn công các lực lượng Nga.
Khi bay tuần tra chiếm ưu thế trên không, các máy bay chiến đấu của Nga luôn mang theo tên lửa chống radar Kh-31P, cùng với tên lửa không đối không tầm xa RVV-BD, tầm trung RVV-SD và tầm ngắn RVV-MD.
Tên lửa Kh-31 sẽ ngăn chặn các hệ thống tầm trung của Ukraine, chẳng hạn như S-300 và Buk tấn công máy bay chiến đấu của Nga. Nếu radar của S-300 hoặc của Buk phát tín hiệu để theo dõi máy bay chiến đấu của Nga, chúng sẽ bị Kh-31 tấn công ngay lập tức.
Trong chiến đấu, UAV tấn công hạng nặng Sirius sẽ hoạt động dưới sự bảo vệ của các máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không.
Nhưng máy bay chiến đấu Nga nhiều khả năng sẽ tránh xa phạm vi sát thương của hệ thống tên lửa tầm trung của đối phương để tránh rủi ro. Còn với Sirius, sẽ không có hạn chế này. Việc đưa UAV vũ trang vào khu vực giao tranh đang diễn ra được cho là cách thức hiệu quả để thu hút hoặc tấn công các hệ thống tên lửa phòng không của đối phương.
Lợi thế của Nga
Khi bay trong không phận có tranh chấp, Sirius không phải là mục tiêu dễ dàng bị bắn hạ. Bởi UAV này có hình dạng giống một máy bay thông thường, có thân thon dài, cánh thẳng và đuôi hình chữ V. Phần lớn khung máy bay được làm bằng vật liệu tổng hợp, bộc lộ tín hiệu phản xạ radar thấp nên khó bị đối phương phát hiện.
Các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ mà Ukraine tiếp nhận trong thời gian gần đây, được cho là kém hiệu quả khi đối phó với những máy bay không người lái di chuyển chậm và có tín hiệu phản xạ radar thấp. Trong khi đó, những hệ thống phòng không S-300 và Buk của Ukraine lại đang cạn kiệt tên lửa.
Việc thiếu tên lửa đã khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn trong đối phó với máy bay không người lái của Nga. Chưa kể, nếu Ukraine dùng tên lửa bắn hạ UAV thì khẩu đội tên lửa của họ có thể bị tên lửa hành trình Kh-31 của Nga tấn công.
Hơn một năm kể từ khi xung đột nổ ra, Nga được cho là đang giành nhiều lợi thế nhờ chiến thuật sử dụng máy bay không người lái. Sự hỗ trợ của UAV đã cho phép pháo binh Nga đạt được nhiều bước tiến trên thực địa, dù kho dự trữ đạn dược của họ ngày càng giảm.
Độ tin cậy của UAV Orlan-10, khả năng phản công chính xác của UAV cảm tử Lancet cùng việc thu thập thông tin, trinh sát và giám sát mục tiêu của UAV Orion đã giúp Nga duy trì ưu thế áp đảo về pháo binh.
Các UAV này được cho là tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công của máy bay chiến đấu và máy bay ném bom Nga ở phía sau chiến tuyến của đối phương bằng cách sử dụng bom lượn.
Đến thời điểm hiện tại Nga vẫn chưa triển khai máy bay không người lái hạng nặng có khả năng tự tiêu diệt mục tiêu đến Ukraine. Sự xuất hiện của UAV Sirrius được cho là sẽ thay đổi điều này.