Tất bật và gai góc
Trong lúc chuẩn bị cho cuộc gặp “sống còn” với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn loay hoay trong tình huống khó xử, khi một mặt ông muốn hướng tới sự tan băng trong mối quan hệ với Washington, nhưng mặt khác phải cân đối để dĩ hòa với hiện trạng trong nước, nơi thái độ chống Mỹ đang tăng cao – điều vốn đã được củng cố bởi chính nhà lãnh đạo này thời gian qua.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels vào ngày 14/6, trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống, người đã kéo đổ mối quan hệ ấm cúng giữa chính quyền Erdogan với Nhà Trắng dưới thời Donald Trump.
Các hoạt động chuẩn bị đang được tiến hành tất bật ở Ankara với một loạt hồ sơ gai góc chờ đợi hai đồng minh NATO, theo Arab News. Đứng đầu trong số đó là tranh cãi chưa hồi kết về thương vụ mua S-400 của Nga và việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại chương trình F-35 của Washington.
Triển vọng của cuộc gặp Biden-Erdogan không tươi sáng.
Căng thẳng song phương cũng tăng lên qua sự hỗ trợ của Mỹ đối với lực lượng người Kurd ở Syria, các mối quan tâm khác bao gồm quan hệ với Nga và căng thẳng ở khu vực Biển Đen, tương lai của Syria và tình hình ở Iraq.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 1/6, ông Erdogan thừa nhận cuộc đối thoại với người đồng cấp Biden cho đến nay "không hề dễ dàng", khác xa với ngoại giao qua điện thoại "rất ôn hòa và thuận lợi" với ông Trump.
Tuy nhiên, tranh cãi về S-400 vẫn là vấn đề cấp bách nhất, khi Ankara vẫn đang loay hoay tìm giải pháp có thể làm hài lòng Washington. Nước này đã đưa ra một số lựa chọn, bao gồm cả mô hình Crete - tham chiếu đến trường hợp Síp mua hệ thống S-300 từ Nga vào những năm 1990, sau đó vì tranh cãi mà được cất giữ trên đảo Crete của Hy Lạp.
Có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Erdogan có thể đề xuất một công thức mới như triển khai S-400 dưới sự kiểm soát của Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, mà không có bất kỳ sự tham gia nào của Nga trong vận hành và bảo trì. Tuần trước, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh Ankara sẽ có "100% quyền kiểm soát" đối với các hệ thống và sẽ không có chuyên gia quân sự Nga nào có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cách tiếp cận đối với vấn đề này tiếp tục bị chỉ trích là hời hợt, khi Ankara được mô tả là đang coi việc xử lý tranh cãi S-400 đơn giản như thể bật-tắt một chiếc máy hút bụi chứ không phải một hệ thống tên lửa tinh vi. Không ngạc nhiên khi suy tính như vậy không thuyết phục được Washington.
Áp lực hai đầu
S-400 đang trở thành gánh nặng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để phá băng với Biden, con bài mạnh nhất mà ông Erdogan có thể đặt xuống bàn là thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác khu vực tốt nhất của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Nga và Iran. Mặc dù lá bài này đã phần nào suy yếu trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ quan hệ ngoại giao, an ninh và kinh tế với Nga trong vài năm qua, nhưng Ankara gần đây đã tăng cường các động thái cho thấy họ không cho Moscow tự do vùng vẫy trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo của Gruzia, Ba Lan và Ukraine - tất cả đều có quan hệ không mặn mà với Nga - đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp kể từ tháng 4. Trong những chuyến thăm đó, ông Erdogan đã cam kết ủng hộ hoàn toàn nỗ lực gia nhập NATO của Gruzia, ký hợp đồng bán máy bay không người lái với Ba Lan và công khai ủng hộ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tham gia tích cực vào tập trận Steadfast Defender của NATO ở Romania vào tuần trước.
Mehmet Kocak, cây bút của tờ Yeni Akit, lập luận rằng mối quan hệ song phương Mỹ-Thổ sẽ còn u ám hơn nữa, nhắc lại lần phỏng vấn trước bầu cử, ông Biden thậm chí đã ủng hộ phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ thắng lợi trước ông Erdogan.
Bất chấp những tuyên bố không thân thiện, “Tổng thống Erdogan đã chúc mừng ông Joe Biden đắc cử và đề nghị mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, nhưng điều đó vẫn chưa được đáp lại”, Kocak viết, nhấn mạnh rằng, bất kỳ cuộc đối thoại nào với Washington sẽ chỉ vô ích.
Về phần Biden, sẽ không ngạc nhiên khi ông sẽ đưa ra một điều kiện cứng nhắc để người đồng cấp Erdogan phải chọn phe rạch ròi. Điều đó sẽ phù hợp với tầm nhìn đang phát triển của NATO, không còn giới hạn trong quan hệ đối tác quân sự hay các giá trị chung, mà còn nhấn mạnh sự hợp tác kinh tế đi kèm sự gắn kết chính trị.
Áp lực tương tự từ Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chỉ làm nghiêm trọng thêm tình thế khó khăn của Erdogan khi không gian xoay xở của ông với các vấn đề cả trong và ngoài nước ngày càng chật hẹp.