Nga - Mỹ biến không phận quốc tế thành "võ đài" để đáp trả nhau?

Đức Trí |

Nga và Mỹ liên tục điều động máy bay quân sự ngăn chặn lẫn nhau trên các vùng biển, làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc va chạm trên không.

Nga và Mỹ liên tục điều động máy bay quân sự ngăn chặn lẫn nhau trên các vùng biển, làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc va chạm trên không.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) cho biết, hôm 26/6 vừa qua, NORAD đã nhanh chóng điều động máy bay chiến đấu tàng hình F-22 ngăn chặn nhiều máy bay Nga ở khu vực Alaska, đây là lần thứ 6 trong tháng này, máy bay Mỹ ngăn chặn máy bay Nga.

Theo báo cáo, ngày 26/6, nhiều máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ đã chặn 4 máy bay quân sự của Nga gần Alaska. NORAD tuyên bố rằng, các máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đã được điều động để chặn đứng 4 máy bay trinh sát chống ngầm Tu-142 của Nga tiến vào khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Alaska.

“Những chiếc Tu-142 đi vào phạm vi 65 hải lý của chuỗi đảo Aleutian phía nam Alaska và bay trong khu vực ADIZ Alaska gần 8 giờ đồng hồ nhưng không đi vào không phận thuộc chủ quyền của Mỹ hay Canada”, tuyên bố của NORAD cho biết. Sự kiện này là lần thứ sáu các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ chặn máy bay quân sự của Nga gần Alaska trong tháng 6/2020 và đây là lần thứ 10 trong năm 2020.

Tư lệnh NORAD, tướng Terrence J. O’Shaughnessy cho biết: “Chỉ riêng năm nay, NORAD đã 10 lần phát hiện và chặn các máy bay quân sự của Nga bao gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát... khi các máy bay này bay vào vùng ADIZ. Bất chấp dịch Covid-19, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng và có thể tiến hành các nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ”.

Theo báo cáo của Sputnik Nga ngày 27/6, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Quân đội Nga đã phái nhiều máy bay chống ngầm Tu-142MK để thực hiện các nhiệm vụ bay qua Biển Barents, Biển Na Uy và Thái Bình Dương.

Thông báo nêu rõ: “Ngày 27/6, 3 máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142MK của Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ bay thường lệ trên Biển Barents và Na Uy". Phía Nga cho biết, trong chuyến bay, Không quân Na Uy đã cử máy bay chiến đấu F-16 theo dõi hoạt động của máy bay chống ngầm Nga ở vùng biển Na Uy.

Ngoài ra, 4 máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142MK khác đã thực hiện các chuyến bay trên vùng biển trung lập ở phía bắc Thái Bình Dương. Hoạt động của máy bay Nga đã tuân thủ nghiêm các quy tắc hoạt động trên không phận quốc tế, và cũng không vi phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào”.

Nga - Mỹ biến không phận quốc tế thành võ đài để đáp trả nhau? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ “hộ tống” Tu-95 của Nga ở Alaska hôm 10/6. Nguồn: huanqiu.

Trong một tuyên bố ngày 26/6, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết nước này đã điều tiêm kích Su-30 chặn các máy bay Mỹ trên Biển Đen và “hộ tống” những chiếc máy bay đó ra xa biên giới Nga.

Tu-142MK là một trong những phiên bản cải tiến của trinh sát cơ săn ngầm Nga được chế tạo trên nền tảng máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Chiếc máy bay được trang bị nhiều hệ thống cảm biến hiện đại như radar Korshun mới, các thiết bị tác chiến săn ngầm…

Giới phân tích cho rằng, các hoạt động bay tuần tra trên không tầm xa của Nga tại các khu vực gần không phận Mỹ dường như đang trở nên thường xuyên hơn nhằm đáp trả những hành động bao vây quân sự của Mỹ nhằm vào Nga.

Trong một tuyên bố năm 2019, NORAD cho biết, kể từ khi Nga nối lại các chuyến bay tuần tra tương tự từ năm 2007, NORAD đã chặn trung bình 6-7 đợt máy bay quân sự Nga vào khu vực nhận dạng phòng không hàng năm. Nhưng trong thời gian gần đây, chỉ trong vòng gần 1 tháng NORAD đã ngăn chặn đến 6 chuyến bay như vậy, đây là điều đáng báo động trong quan hệ song phương và nhiều khả năng sẽ tạo thành những sự cố ngoài ý muốn.

Một số chuyên gia quân sự quan ngại rằng, hoạt động “ăn miếng trả miếng” giữa Nga và Mỹ đang ngày càng trực diện và công khai hơn, hành động này làm gia tăng nguy cơ mất an ninh hàng không trên các vùng biển, đặc biệt là biển Đen và biển Alaska.

Không chỉ vậy, hành động của Nga và Mỹ cũng làm dấy lên mối quan ngại của các quốc gia ở những vùng biển trên và buộc các nước này phải có những biện pháp đề phòng. Điều này sẽ tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các tuyến thông thương trên không phận quốc tế. Không loại trừ khả năng, các nước này sẽ lần lượt thiết lập ADIZ tại không phận của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại