Ngày 22-1, cùng sự hỗ trợ của nhóm vũ trang Quân đội Tự do Syria (FSA) chống chính phủ Damascus, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được ba ngôi làng gần Afrin, nằm ở tỉnh Aleppo, phía Đông Bắc Syria.
Chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương nhắm vào lực lượng các tay súng người Kurd ở Syria (YPG). Trong khi đó YPG ở Syria vẫn tiếp tục nã tên lửa sang tỉnh biên giới Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, làm một người chết và hai người bị thương.
Nga đã bật đèn xanh?
Tờ New York Times dẫn nhận định các nhà phân tích quân sự rằng thành công của chiến dịch phụ thuộc vào việc Nga có “bật đèn xanh”, mở không phận cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria hay không.
Cần biết rằng Nga đang kiểm soát không phận Syria ở khu vực phía Tây sông Euphrates, trong khu vực này có TP Afrin và các thị trấn lân cận đang được Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu chiếm đóng.
Thậm chí toàn bộ vùng đệm 30 km mà Thổ Nhĩ Kỳ đặt kế hoạch thiết lập dọc theo biên giới phía Bắc Syria cũng có phần lớn diện tích nằm trong “chiếc ô” vùng phòng không của Nga.
Hiện có thông tin đồn đoán trong giới phân tích rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý để yên cho Nga và chính phủ Syria tấn công phe nổi dậy ở tỉnh Idlib, đổi lại sẽ được Nga mở cửa không phận Syria, theo New York Times.
Khả năng này rất lớn khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 21-1 cho biết đã nhận được tín hiệu “đèn xanh” từ Nga trước khi chính quyền Ankara khai màn chiến dịch. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22-1 cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận với Nga về chiến dịch.
Theo Reuters, nhóm vũ trang YPG cũng đã lên tiếng cáo buộc Nga “bật đèn xanh”, với hành động rút hết lực lượng quan sát của mình khỏi Afrin trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch. Về phần mình, dù không chính thức thừa nhận chuyện “bật đèn xanh” nhưng Điện Kremlin nói phía Nga đang liên hệ chặt với các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch.
Washington đang toan tính gì?
Chuyện Nga “bật đèn xanh” không khiến nhiều người băn khoăn bằng thái độ không phản đối của Mỹ đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Tại chiến trường Syria trong suốt gần hai năm qua, các tay súng YPG chính là đối tác quan trọng, nếu không nói là trái tim trên thực địa chiến trường của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Giai đoạn nửa đầu năm 2017, chính YPG là quân chủ lực bao vây và tiến đánh tái chiếm thành trì Raqqa do IS kiểm soát. Thế nhưng trả lời với báo chí ngày 21-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ “có lo ngại chính đáng” về Bắc Syria.
Mới đây nhất, ngày 22-1 vừa qua, Nhà Trắng cũng chỉ kêu gọi các bên kiềm chế, giới hạn quy mô, thời gian nhưng không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch.
Vậy tại sao cả Nga và Mỹ đều “bật đèn xanh” cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ? Theo phân tích trên Hurriyet Daily News thì có một số lý do. Thứ nhất, trước khi mở màn chiến dịch, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất nhiều thời gian và công sức vận động, tìm sự ủng hộ hay ít nhất là để Nga và Mỹ không phản đối.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ gửi một phái đoàn quân đội và tình báo do Tổng Tham mưu quân đội Hulusi Akar và Giám đốc Tình báo quốc gia Hakan Fidan sang Nga. Trong khi đó Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu cũng có các cuộc gặp riêng với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vận động ủng hộ.
Kết quả của cuộc gặp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là việc Nga đồng ý rút lực lượng quan sát quân sự khỏi Afrin, mở đường cho chiến dịch. Về phía Mỹ, các quan chức quân đội Mỹ xác định Afrin không nằm trong thẩm quyền của mình, động thái có thể xem là “bật đèn xanh” cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai, thực tế Afrin không còn giữ vai trò chiến lược và quan trọng với cả Nga và Mỹ, không còn là một ưu tiên với cả hai nước ở Syria. Với Nga, điều quan trọng là chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không gây hại đến nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị Syria thông qua hòa đàm ở Sochi.
Về phần mình, Mỹ sẽ chỉ bận tâm một khi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng đến cả TP Manbij và Đông sông Euphrates, nơi Mỹ đang hiện diện.
Nga là bên "chiến thắng"?
Có vẻ như Nga đã đi nước cờ biên giới Syria thành công hơn phía Mỹ. Ưu tiên hàng đầu của Nga chính là Hội nghị Đối thoại Quốc gia về Syria và sự kiện này vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch ở Sochi (Nga) vào ngày 29 và 30-1 tới.
Ngày 22-1, một quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói với Hürriyet Daily News rằng nước này đã thống nhất với Nga và Iran danh sách tham dự. Như vậy Moscow đã không chịu tổn hại gì lớn về mặt toan tính chiến lược từ chiến dịch biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Reuters dẫn chia sẻ của một số quan chức Mỹ cho biết: Mỹ đang theo dõi trong lo ngại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một thời gian ngắn tới đây, Mỹ sẽ bị đặt vào tình thế không thể ngồi yên nếu như Thổ Nhĩ Kỳ kéo quân đánh sang thị trấn Manbij, nơi có một lượng lớn lính đặc nhiệm Mỹ đang được triển khai với sứ mệnh đào tạo lực lượng người Kurd.
Số lính này được triển khai từ tháng 3-2017. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, lực lượng Mỹ còn được cho là nhằm ngăn chặn lính Thổ Nhĩ Kỳ và YPG tấn công lẫn nhau.