Nga không hỗ trợ Venezuela nhiều như Syria: Không muốn, không thể hay để tung đòn "oái oăm" vào Mỹ?

Tất Đạt |

Cho tới thời điểm hiện tại, điện Kremlin vẫn đứng ngoài cuộc và lên án Mỹ như trong những cuộc khủng hoảng khác.

Nỗ lực hòa giải khủng hoảng

Bằng chiến dịch quân sự thành công tại Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện được một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của mình, và đưa ra quan điểm không thể rõ ràng hơn về việc các thế lực nước ngoài không nên can thiệp vào tình hình nội bộ của quốc gia khác.

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela dường như có đủ những điều kiện để cần tới sự trợ giúp của Nga. Tuy nhiên, Venezuela lại không phải là Syria.

Theo New York Times, quốc gia Nam Mỹ này nằm cách Nga hàng nghìn km; không có nước đồng minh lớn mạnh nào như Iran để Moskva có thể nhờ cậy; và nền kinh tế Nga chưa đủ vững mạnh để có thể tiêu tốn chi phí cho một chuyến "du hành" tới bên kia đại dương.

Tuy nhiên, câu hỏi "Nước Nga nên làm gì?" vẫn được nhiều phương tiện truyền thông đăng tải rầm rộ.

Cho tới thời điểm hiện tại, điện Kremlin vẫn đứng ngoài cuộc và lên án Mỹ như trong những cuộc khủng hoảng khác.

"Chúng tôi hiểu rằng, nói một cách đơn giản, Mỹ đã kiên quyết và công khai tìm cách lật đổ chính quyền Venezuela," ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc họp trước báo giới.

Nga không hỗ trợ Venezuela nhiều như Syria: Không muốn, không thể hay để tung đòn oái oăm vào Mỹ? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Lavrov lên án Mỹ trước báo giới. Ảnh: AP

"Phe đối lập Venezuela đã nhận lệnh từ Washington và sẽ không nhượng bộ cho tới khi phe ông Maduro từ bỏ quyền điều hành đất nước."

Ông Lavrov nhấn mạnh Moskva sẽ tham gia hòa giải khủng hoảng và Nga cùng một số quốc gia khác sẽ chịu trách nhiệm đẩy lùi nỗ lực của phe đối lập Venezuela.

"Chúng tôi [Nga] và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế sẽ làm bất kì điều gì để hỗ trợ chính phủ hợp pháp của ông Maduro," ngoại trưởng Nga tuyên bố. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Syria là các nước đồng tình với quan điểm nói trên của ông Lavrov.

Nhà phân tích quân sự Aleksandr M. Goltz nhận định mối quan hệ của Nga với Venezuela có phần giống với chính sách đối ngoại từ thời Liên Xô. Ông Goltz cho rằng điện Kremlin sẽ hỗ trợ tài chính và vũ khí cho bất kì nước nào có quan điểm đối ngược với Washington.

"Đối với ông Putin, chống lại cách mạng màu là một vấn đề cốt lõi. Bất kì nỗ lực đảo chính nào cũng được Nga coi là sự can thiệp của thế lực nước ngoài," ông Goltz nói, lấy dẫn chứng rằng Moskva đã thể hiện sự ủng hộ Caracas bằng việc gửi 2 máy bay ném bom tầm xa có khả năng chở đầu đạn hạt nhân tới Venezuela.

Nga không hỗ trợ Venezuela nhiều như Syria: Không muốn, không thể hay để tung đòn oái oăm vào Mỹ? - Ảnh 2.

Ông Nicolas Maduro và tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Maxim Shemetov

Một chuyên gia khác cho rằng nếu Nga gửi một phi đội máy bay tới Venezuela, lịch sử sẽ lặp lại như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, khi Mỹ và Liên Xô suýt bị đẩy tới bờ vực chiến tranh hạt nhân vì các tên lửa của Liên Xô được lắp đặt tại Cuba.

Điểm khác biệt giữa Syria và Venezuela

Trong những năm gần đây, công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft (Nga) đã nắm giữ một phần lớn cổ phần trong công nghiệp dầu mỏ Venezuela, và điện Kremlin đã cung cấp một khối lượng lớn vũ khí thông qua tín dụng. Với tình trạng Venezuela đã nợ hơn 10 tỉ USD trong nhiều năm qua, Moskva chắc chắn rất muốn được nhận lại tiền nợ.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận việc Nga can thiệp "bất chính" vào Venezuela, ví dụ như cử các đội mật vụ tới bảo vệ ông Maduro hoặc các tài sản quan trọng của chính phủ.

Các nhà phân tích khác cho rằng không cần thiết phải nhờ tới các đội ngũ nước ngoài, bởi vì quân đội Venezuela vẫn đang ủng hộ ông Maduro. Quan chức Nga thường xuyên khẳng định Caracas không có yêu cầu xin trợ giúp chính thức nào.

Nhưng không ai trông chờ vào một phiên bản Syria thứ 2 tại Venezuela. Bên cạnh khoảng cách địa lí và chi phí khổng lồ, còn có những lí do khác khiến Nga không thể dễ dàng can thiệp tới Venezuela.

Tại Syria, Nga có thể tham chiến từ xa, sử dụng không quân hoặc phóng ngư lôi từ biển Caspi. Iran có thể hỗ trợ bộ binh cần thiết để tiêu diệt quân nổi dậy chống chính phủ.

Theo các nhà bình luận Nga, Venezuela hiện tại chưa tới mức chiến tranh, và máy bay ném bom chiến lược cũng không thể giúp gì trong cuộc đối thoại với phe đối lập.

Bên cạnh đó, điện Kremlin sẽ không triển khai quân đội tham gia các cuộc đụng độ với người biểu tình tại Caracas hoặc các thành phố khác.

Tại Trung Đông, Nga có các đồng minh khác ngoài Syria. Tại Mỹ Latinh, ngoài Cuba và Nicaragua, không có chính phủ nào khác ủng hộ ông Maduro.

Vì vậy, bất kì can thiệp nào của Nga cũng có thể dẫn tới tình trạng các chính phủ ở Nam Mỹ bị cô lập, chưa kể còn khiến Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt hơn.

Nhà phân tích chính sách đối ngoại Vladimir Frolov nói trong một bài bình luận trên Republic.ru:

"Nga dường như muốn cuộc khủng hoảng kéo dài và không có giải pháp trong tương lai gần. Điều này sẽ khắc họa một cách rõ nét rằng chiến lược của Mỹ trong việc lật đổ chính quyền ông Maduro là thất bại hoàn toàn còn Nga thành công lớn khi hỗ trợ chính phủ hợp pháp."

Một số chuyên gia khác đề cập tới ý tưởng rằng Nga có thể dập tắt cuộc khủng hoảng bằng đề nghị cho ông Maduro được tị nạn chính trị. Tuy nhiên, khả năng này hầu như không thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại