Trục Nga-Iran "thăng hoa" ở Trung Đông
Sự rút lui từ từ của Mỹ ở Syria có thể tạo lợi thế vô cùng lớn cho Iran và Nga, thậm chí khiến hai quốc gia này đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích ở Trung Đông. Giới phân tích cho rằng, Washington cần có sự sâu sát hơn để tránh rủi ro và những tính toán sai.
Ở Afghanistan, Syria và các nơi khác ở Trung Đông, một cuộc rút lui trên quy mô lớn của Mỹ kết hợp với nỗ lực ngoại giao khiêm tốn đang báo hiệu sự mâu thuẫn và yếu kém trong chính sách đối ngoại, Colin P. Clarke, chuyên gia tại học viện Chính trị và Chiến lược thuộc đại học Carnegie Mellon (Mỹ) nhận định. Ông cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Nga và Iran đang hợp tác để đẩy nhanh xu hướng này.
Tại một số điểm nóng, Nga đang nắm vị thế thống trị. Ở miền Đông Syria, Nga đang triển khai lực lượng tiến sát gần hơn nơi Mỹ đóng quân. Tại Afghanistan, Mỹ đang theo dõi những hành động âm thầm của Nga. Tại Iraq, Washington đang bỏ lỡ mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc hơn giữa Nga với quốc gia này. Tại Libya, máy bay chiến đấu và lực lượng lính đánh thuê của Nga được cho là đã triển khai để giúp tướng Khalifa Haftar của Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Cùng lúc đó đó, Iran cũng đang vươn rộng cánh tay ảnh hưởng không kém gì Nga. Ở Syria, Iran và Nga đã hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Assad. Mặc dù tại nhiều thời điểm, Iran và Nga được cho là có nhiều bất đồng với Damascus nhưng sau tất cả, cả hai vẫn tăng cường hợp tác để duy trì ảnh hưởng tại đây cùng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Moscow và Tehran còn có một số lợi ích chồng chéo ở Nam Kavkaz, Trung và Nam Á.
Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại về mối quan hệ Nga-Iran vượt qua khuôn khổ cuộc xung đột ở Syria, vươn rộng đến nhiều lĩnh vực quân sự khác như đào tạo, tập trận và mua bán vũ khí, đồng thời bắt tay ở các điểm nóng khu vực.
Mặc dù hợp tác Nga-Iran không phải là mới, nhưng Mỹ lại không có dấu hiệu nào cho thấy đang có các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn. Chính sách của Mỹ đang cho thấy nước này đang tự làm tổn hại các lợi ích của mình.
Vào tháng 10/2018, Mỹ đã rút quân khỏi vùng đông bắc Syria, bỏ rơi đồng minh người Kurd. Nga đã tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực, kiểm soát nhiều hơn, và Iran cũng có thêm nhiều cơ hội để thực hiện những tính toán với Israel.
Bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã xa lánh các đồng minh châu Âu và vô tình giúp trục Iran và Nga nâng cao tầm vóc quốc tế. Trong khi đó, một số quan điểm lập luận rằng chính sách "áp lực tối đa" mà Mỹ đang gây tổn hại cho Iran dường như không mang lại tác dụng như mong đợi.
Ngay cả Trung Quốc cũng đang trở thành đối tác hiệu quả đối với trục Nga-Iran. Tháng 12 năm ngoái, ba nước đã tham gia chương trình Vành đai An ninh Hàng hải ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman, cuộc tập trận hải quân ba bên đầu tiên.
Ưu tiên nào cho Mỹ
Nga-Iran đang có được tầm ảnh hưởng thống trị ở Syria.
Khi cuộc bầu cử Mỹ gần kề, đây là thời gian nổ ra những cuộc tranh luận sâu sắc hơn về lợi ích của Mỹ trong khu vực, bao gồm cả cách Nga và Iran có thể gây nguy hiểm cho nước này.
Để phục vụ tốt nhất lợi ích chính mình, Mỹ cần có những ưu tiên cao hơn cho ngoại giao trong các hoạt động đàm phán hạt nhân với Iran, trong khi vẫn duy trì các đội ngũ quân sự ở Syria và Afghanistan để chống lại các bước tiến của Iran và Nga.
Kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003, Mỹ đã không thể đưa ra một chính sách đối ngoại nhất quán ở Trung Đông. Cụ thể, chính sách của Mỹ liên quan đến Nga và Iran ở Trung Đông chỉ mang lại những màn thể hiện rời rạc, lạc lõng.
Ví dụ như quyết định cắt giảm quân đội Mỹ ở các điểm nóng Trung Đông được cho là động thái khiến Mỹ tự tay xóa sổ mọi công sức gây dựng trong nhiều năm, làm suy yếu các mục tiêu ban đầu ở Syria cũng như đánh mất đi sự gắn kết của NATO.
Nếu không có một cuộc thảo luận thẳng thắn hơn về chi phí và lợi ích của phương pháp hiện tại, Washington sẽ không thể sắp xếp đủ sự hỗ trợ để đạt được các mục tiêu của mình.
Rõ ràng Quốc hội Mỹ và đồng minh sẽ khó có thể ủng hộ các chính sách đầy mâu thuẫn như việc muốn gây áp lực để buộc Iran ngừng can thiệp vào Syria trong khi lại kéo lực lượng Mỹ ra khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump.
Tương tự như vậy, các chính sách của Mỹ có thể thiếu sự hỗ trợ nếu nước này một mặt tìm cách chống lại sự can thiệp của Nga ở Syria nhưng lại để cho Moscow quá nhiều khoảng trống để khai thác.
Nếu không có nỗ lực quân sự và ngoại giao, Mỹ sẽ không thể đảm bảo lợi ích của mình ở các khu vực xung đột tại Trung Đông, nơi Iran và Nga đang hợp tác để khai thác sự rút lui của Mỹ.