Trước đó, ngày 20/6, người đứng đầu Crimea – Sergey Aksyonov cho biết 3 giàn khoan thuộc sở hữu của công ty Chernomorneftegaz đã bị tấn công, nghi bởi quân đội Ukraine.
"Đến thời điểm hiện tại, 94 người đã được sơ tán. 15 binh sĩ hiện vẫn đang canh gác tại những giàn khoan còn hoạt động. Ít nhất 3 người đã bị thương và 7 người mất tích", ông Aksyonov cho biết.
Lãnh đạo Crimea nhấn mạnh rằng hoạt động tìm kiếm sẽ tiếp tục được tiến hành. Chính quyền khu vực sẽ liên lạc với thân nhân những người mất tích và bị thương.
Trong khi đó, Ủy ban Điều tra Nga đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ pháo kích. Theo ủy ban này, lực lượng vũ trang Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các giàn khoan bằng vũ khí có tính sát thương cao .
Phía Ukraine hiện chưa lên tiếng về thông tin này.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là cuộc tấn công đầu tiên của lực lượng Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng ngoài khơi Crimea kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2.
Một số quan chức Ukraine đã cam kết không sử dụng vũ khí nước ngoài để tấn công các mục tiêu ở Nga. Nhưng cam kết này không áp dụng với Crimea, vì Kiev vẫn coi bán đảo này là một phần lãnh thổ của mình.
Hôm 17/6, đại diện của Tổng thống Ukraine cho khu vực Crimea - Tamila Tasheva cho biết chiến dịch quân sự của Nga đã khiến Ukraine phải từ bỏ phần lớn chiến lược ngoại giao đối với Crimea và gần như chỉ còn có thể dựa vào các biện pháp quân sự để giành lại khu vực này.
Phát biểu của bà Tasheva được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov nói rằng Kiev, sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, sẽ "giải phóng" tất cả các vùng đất đã thuộc quyền kiểm soát của Nga, bao gồm cả Crimea.
Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra tuyên bố tương tự khi khẳng định Kiev sẽ giành lại bán đảo Crimea cùng các nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR).
Lực lượng Nga – nhờ có ưu thế về pháo binh và các loại vũ khí khác – đang dần giành quyền kiểm soát thêm nhiều khu vực ở Donbass.