Trong báo cáo vừa được công bố, Bộ Quốc phòng Nga lại tiết lộ rằng trong đợt triển khai tại Syria vào năm ngoái, Su-57 đã thực hiện tới hơn 10 chuyến bay đồng thời khẳng định lại một lần nữa rằng phi hành đoàn của Su-57 đã thực hiện nhiều bài kiểm tra, đánh giá quan trọng.
Mặc dù vậy, thời gian mà tiêm kích tàng hình Su-57 lưu lại mảnh đất Syria đầy nóng bỏng được so sánh là "đến và đi như một cơn gió", đây chính là bất ngờ thứ hai mà Nga dành cho giới truyền thông.
Sau khi những hình ảnh đầu tiên của biên đội 2 chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 của Nga hạ cánh xuống căn cứ Hmeimim thì nó bất ngờ quay về chỉ sau đúng 2 ngày.
Trong khoảng thời đó, chiếc tiêm kích tối tân này chỉ được nhìn thấy một lần duy nhất bay dọc bờ biển Latakia, dẫn tới nhận định rằng nó chỉ hoạt động thực tế có một chuyến bay duy nhất.
Nga đã thử nghiệm các đặc điểm kỹ thuật trên chuyến bay của Su-57, bao gồm công nghệ kiểm soát thông tin, hệ thống trên máy bay và vũ khí trong điều kiện nhiệt độ cao, hậu cần phức tạp và các yếu tố khác ở Syria, nguồn tin cho biết.
Hình ảnh nổi tiếng nhất của chiếc Su-57 khi nó có mặt ở Syria chính là vụ phóng thử tên lửa hành trình không đối đất tầm xa Kh-59MK2 được thiết kế phù hợp với khoang vũ khí của nó.
Đây là đặc điểm mà chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 của Nga được đánh giá đã đi trước Mỹ, bởi F-22 Raptor và F-35 Lightning II vẫn phải không kích thông qua bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB.
Nếu muốn mang tên lửa hành trình không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm như AGM-158 JASSM thì vũ khí này buộc phải treo ngoài, dẫn đến giảm mức độ tàng hình của máy bay.
Tuy nhiên bên cạnh ấn tượng của cuộc thử nghiệm vũ khí trên, Su-57 cũng bị nhận xét là đã bộc lộ nhược điểm khi lớp sơn tàng hình của nó không chịu được khí hậu khắc nghiệt tại Syria.
Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Nga phải vội vàng đưa Su-57 về nước, vì điều kiện dã chiến tại Syria không có đủ cơ sở hậu cần để đảm bảo kỹ thuật cho lớp sơn công nghệ cao này.
Sau lần ra mắt ấn tượng trên, chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Nga lại tiếp tục gây bất ngờ khi bay qua quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh mừng chiến thắng phát xít.
Tưởng như đó là dấu hiệu cho thấy Su-57 sẽ sớm hoàn thiện để bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt thì thật đáng tiếc rằng từ đó đến nay công việc gần như vẫn dậm chân tại chỗ.
Trong cuộc duyệt binh mừng chiến thắng phát xít năm nay, chiếc Su-57 lại vắng mặt và chưa rõ đến bao giờ động cơ chuẩn thế hệ 5 của nó là Izdeliye 30 mới sẵn sàng.
Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất hàng loạt lô Su-57 đầu tiên, khi dự kiến phải tới năm 2020 thì máy bay thứ nhất mới được bàn giao cho không quân Nga.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-gay-soc-khi-cong-bo-so-phi-vu-su57-da-thuc-hien-tai-syria/809314.antd