Nga duyệt chi ngân sách quốc phòng kỷ lục, Đức hứa viện trợ lớn cho Ukraine

CTV Tố Uyên |

Tổng thống Nga Putin vừa thông qua mức ngân sách quốc phòng chưa từng có, chiếm tới 1/3 tổng chi tiêu chính phủ, trong bối cảnh xung đột Ukraine dần bào mòn nguồn lực của cả hai phía sau gần ba năm. Trong lúc đó, Thủ tướng Đức Scholz công bố gói viện trợ quân sự 650 triệu euro trong chuyến thăm Ukraine hôm 2/12.

Ngân sách Nga năm 2025, công bố vào 1/12 và được cả hai viện Quốc hội Nga phê duyệt, dành khoảng 126 tỷ USD cho quốc phòng, tương đương 32,5% tổng chi tiêu chính phủ. Con số này cao hơn khoảng 28 tỷ USD so với kỷ lục trước đó, cũng được thiết lập trong năm nay.

Vũ khí Nga đưa ra chiến trường Kursk. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Xung đột Ukraine là xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Cuộc xung đột đã làm hao mòn nghiêm trọng nguồn lực của cả hai bên tham chiến.

Hiện tại, Moscow đang nắm giữ lợi thế tại một số điểm chiến lược dọc tiền tuyến, trong khi Ukraine phải đối mặt với nhiều bất lợi về cả nguồn lực và nhân lực, dù đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ các đồng minh phương Tây.

Nga sở hữu ưu thế về vũ khí, đạn dược và nhân lực, nhưng nền kinh tế và xã hội nước này đang chịu áp lực ngày càng lớn. Chi tiêu quân sự tăng mạnh trong hai năm qua đã đẩy nền kinh tế Nga vào tình trạng quá tải, với lạm phát cao và lao động thiếu hụt trầm trọng. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất lên mức 21% vào tháng 10 – cao nhất trong nhiều thập kỷ – để kiểm soát tình hình.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Scholz đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 650 triệu euro trong chuyến thăm không báo trước tới Ukraine hôm 2/12.

Chuyến thăm được thiết kế như một động thái trấn an Ukraine về sự ủng hộ của Đức, sau khi ông Scholz phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu tại Kiev, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng Nga không thể áp đặt một "nền hòa bình ép buộc" lên Ukraine hay đưa ra quyết định cho cuộc chiến mà không có sự tham gia của Ukraine.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ hy vọng đạt được một nền hòa bình "công bằng, bền vững và lâu dài," đồng thời cam kết rằng Đức sẽ tiếp tục là đối tác hỗ trợ mạnh mẽ nhất của Ukraine tại châu Âu và sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí trong tương lai gần.

Thủ tướng Olaf Scholz đang đối mặt với tình hình chính trị khó khăn trong nước, khi ông sắp trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với hy vọng tái đắc cử vào tháng 2/2015, sau khi chính phủ liên minh sụp đổ vào tháng trước. Ông cũng nhận chỉ trích từ cả hai phía: những người yêu cầu Đức ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và những người muốn ông làm nhiều hơn, như gửi tên lửa Taurus cho Kiev - điều mà ông vẫn từ chối.

Tháng trước, Thủ tướng Scholz đã làm Ukraine phật lòng khi thực hiện cuộc gọi với ông Putin. Theo ông, mục đích của cuộc trò chuyện là thông báo cho tổng thống Nga rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ không thay đổi, đồng thời tìm hiểu xem liệu có thể có sự thay đổi nào trong các điều kiện đàm phán của Moscow hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại