Nội dung chính
- Mỹ chấp thuận bán lô vũ khí trị giá 385 triệu USD cho Đài Loan;
- Bắc Kinh tuyên bố sẽ thực hiện "biện pháp đối phó kiên quyết";
- Trung Quốc quan tâm mọi thứ liên quan đến lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Trung Quốc tuyên bố Mỹ "làm suy yếu chủ quyền"
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1/12 tuyên bố sẽ thực hiện "biện pháp đối phó kiên quyết" để bảo vệ chủ quyền của mình sau khi Mỹ chấp thuận bán lô vũ khí trị giá 385 triệu USD cho đảo Đài Loan.
"Các vụ mua bán này làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và gửi một thông điệp sai lầm nghiêm trọng đến các lực lượng ly khai 'đòi độc lập cho Đài Loan'", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
"Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiên quyết phản đối và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia".
Trước đó, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc hôm 29/11 cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận được yêu cầu từ phía Đài Loan (Trung Quốc) về lô hàng trị giá khoảng 385 triệu USD cho các phụ tùng thay thế và dịch vụ hỗ trợ cho máy bay chiến đấu F-16 cũng như thiết bị radar.
DSCA bổ sung rằng thương vụ vũ khí này sẽ không "làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực", và việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới.
Văn phòng của nhà lãnh đạo Đài Loan Lai Ching-te nói lô hàng này là đợt bán vũ khí thứ 18 cho Đài Bắc được công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào năm 2021.
Theo SCMP, thông báo chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan được phía Mỹ đưa ra vào đêm trước khi ông Lai khởi hành chuyến đi tới Quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau - ba đồng minh ngoại giao của Đài Bắc ở Thái Bình Dương.
Chuyến đi còn bao gồm các điểm dừng chân tại bang Hawaii của Mỹ và đảo Guam, một vùng lãnh thổ của Mỹ.
Bắc Kinh cũng nhấn mạnh hôm 1/12 rằng họ "lên án mạnh mẽ" Mỹ vì đã sắp xếp các điểm dừng chân cho lãnh đạo Đài Loan và đã gửi giao thiệp nghiêm khắc tới Washington.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hình thức tương tác chính thức giữa Mỹ và khu vực Đài Loan, và kiên quyết phản đối mọi chuyến đi của nhà lãnh đạo chính quyền Đài Loan tới Mỹ dưới bất kỳ danh nghĩa hay lý do nào", Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết.
"Vấn đề Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là ranh giới đỏ đầu tiên không thể vượt qua trong quan hệ Trung - Mỹ", bộ này nói thêm.
Theo SMCP, trong nhiều thập kỷ, việc bán vũ khí cho đảo Đài Loan đã trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington - nhà tài trợ quốc tế và nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho hòn đảo này. Tình hình trở nên phức tạp hơn kể từ khi ông Lai nhậm chức hồi tháng 5/2024 và đưa ra một số tuyên bố mà Bắc Kinh coi là thúc đẩy xu hướng độc lập của hòn đảo.
Trung Quốc coi đảo Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, nhưng phản đối nỗ lực chiếm đóng hòn đảo này bằng vũ lực và cam kết trang bị vũ khí cho Đài Loan để phòng thủ.
Trung Quốc quan tâm mọi thứ liên quan đến lệnh trừng phạt
Trong khi đó, tờ Telegraph (Anh) ngày 1/12 đưa tin, theo nguồn tin của tạp chí Wall Street Journal (Mỹ), Trung Quốc đã cử quan chức tới Ngân hàng Trung ương Nga để nghiên cứu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hiểu rõ hơn về cách thức họ có thể bị ảnh hưởng nếu tấn công đảo Đài Loan.
Nhiều tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Bắc Kinh đã thành lập một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ lập báo cáo về tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga.
Một người biết về nhóm chuyên trách này nói với Wall Street Journal rằng Trung Quốc "rất quan tâm" đến "gần như mọi thứ" liên quan đến các lệnh trừng phạt, bao gồm cả những tác động tích cực tiềm tàng đối với hoạt động sản xuất trong nước.
Ngoài các báo cáo được lập thông qua cơ quan liên ngành, các quan chức Trung Quốc còn được cử đi công tác định kỳ đến Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính và các cơ quan chính phủ khác của Nga chuyên xử lý lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Đối với người Trung Quốc, Nga thực sự là một khu vực thử nghiệm về cách thức các lệnh trừng phạt hoạt động và cách quản lý chúng. Họ biết rằng nếu có tình huống bất trắc xảy ra ở Đài Loan, bộ công cụ được áp dụng chống lại họ sẽ tương tự”, Alexander Gabuev - Giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia có trụ sở ở Đức - cho biết.
Theo Telegraph, nền kinh tế Nga đã vượt qua mọi kỳ vọng sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng, với sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng và tiền lương tăng trong những tháng sau khi xung đột với Ukraine bùng phát.
Tuy nhiên, Điện Kremlin gần đây đã buộc phải trấn an người dân Nga trước lo ngại bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự sụp đổ đột ngột của đồng rúp. Đồng tiền Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột bùng phát.
Telegraph cho hay, việc thành lập một nhóm chuyên trách phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Moscow. Các công ty Trung Quốc bị phương Tây cáo buộc là đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Điều này cũng phản ánh mối lo ngại ở Bắc Kinh về 3,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối mà nước này nắm giữ - mức dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.
Do đó, các quan chức Trung Quốc được giao nhiệm vụ đa dạng hóa tài sản của quốc gia, giảm phụ thuộc vào các tài sản được định giá bằng đô la, bao gồm cả trái phiếu kho bạc Mỹ.
Theo báo cáo của các tổ chức tư vấn Atlantic Council và Rhodium Group có trụ sở ở Mỹ, trong trường hợp Trung Quốc tấn công đảo Đài Loan, các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến 3,7 nghìn tỷ USD tài sản và dự trữ của các ngân hàng nước ngoài của nước này gặp rủi ro.
Theo các nhà phân tích, một bài học mà Trung Quốc đã học được từ cuộc xung đột Nga - Ukraine là cần phải có sự chuẩn bị sau khi chứng kiến cách Nga đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và phi đô la hóa nền kinh tế nước này trong giai đoạn trước tháng 2/2022.
Nhưng theo Agathe Demarais – chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, Trung Quốc cũng học được rằng "phương Tây có thể phối hợp với nhau để đưa ra các lệnh trừng phạt khi cần".