Hiện tại khu vực Đông Bắc Syria có sự hiện diện của rất nhiều lực lượng vũ trang đến từ Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và cả binh lính Syria lẫn các tay súng người Kurd.
Theo thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát quân sự (quân cảnh) Nga sẽ tiến hành các chuyến tuần tra vùng đệm an toàn chạy dọc biên giới để duy trì lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên trong thỏa thuận này không có Mỹ, bởi vậy lực lượng vũ trang của Washington chẳng phải chịu ràng buộc gì, họ hành động chỉ vì lợi ích của mình cũng như đồng minh người Kurd.
Trước nguy cơ xung đột vì mâu thuẫn quyền lợi, Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần khẳng định giữa hai bên luôn duy trì kênh liên lạc để tránh xảy ra tình huống mất kiểm soát, nhưng thực tế lại chẳng được như vậy.
Đã có sự việc được đánh giá là nghiêm trọng xảy ra vào ngày 18-1, khi binh lính Mỹ lập một trạm kiểm soát và ngăn đoàn xe quân sự Nga tiếp cận căn cứ không quân mới của họ ở thành phố Kamyshli.
Vụ việc đã gây ùn tắc giao thông kéo dài, sau đó Lực lượng Dân chủ Syria - SDF phải đứng ra làm trung gian hòa giải, dẫn đến kết cục là binh lính Nga đồng ý đi theo đường khác.
Cuộc đụng độ giữa quân đội Nga và binh lính Mỹ ở Đông Bắc Syria đã gây ra nhiều vấn đề phiền toái. Theo ý kiến từ Damascus, vấn đề chặn đường của Mỹ cần được giải quyết với sự trợ giúp của xe tăng Nga.
Giới chức Syria còn tuyên bố rằng trong thực tế người Nga đang sai lầm, cụ thể thay vì quay lại và đi đường khác thì cần phải điều xe tăng đến trạm kiểm soát của Mỹ và sẽ dễ dàng giải quyết tình hình.
"Họ chỉ cần nghiền nát chúng (trạm kiểm soát của Mỹ) bằng xe tăng và lái đi. Xe bọc thép Mỹ bất lực trước một chiếc xe tăng chiến đấu của lực lượng Nga. Bên cạnh đó, trực thăng vũ trang cũng sẽ là giải pháp cho vấn đề này".
"Người Nga đang làm hỏng danh tiếng của mình bằng cách thể hiện sự yếu kém trước một số ít quân xâm lược (binh lính Mỹ). Xe tăng Nga hoàn toàn đủ khả năng nhanh chóng giải quyết những chướng ngại nói trên".
Việc báo chí Syria nêu ý kiến như muốn "kích động" Nga - Mỹ đối đầu đã bị Matxcơva phản đối, họ đặt câu hỏi là quân đội Syria cũng chẳng thiếu xe tăng, vậy tại sao họ lại định đẩy binh lính Nga vào thế đối kháng trực tiếp với Mỹ.
Rõ ràng trong tình huống này, phía Syria đang muốn ở thế "ngư ông đắc lợi", họ không dám trực tiếp gây xung đột với Mỹ mà muốn Nga thay thế mình ở vai trò đó.
Syria thừa hiểu rằng cuộc tấn công vào binh lính Mỹ sẽ mang lại hậu quả vô cùng tai hại đối với họ, vì chắc chắn Washington sẽ tiến hành trả đũa khốc liệt.
Nhưng mọi việc có thể sẽ khác nếu như đó là quân đội Nga, Syria hy vọng rằng Washington cũng muốn tránh đối đầu với Matxcơva nên sẽ bỏ qua sự việc nếu có đụng độ tại hiện trường.
Mặc dù vậy, binh lính Nga được cho là đã khá tỉnh táo khi không để bị kích động và vướng vào tình huống xung đột trực tiếp với lính Mỹ, bởi khi đó họ cũng chẳng được lợi ích gì mà còn tiềm ẩn nguy cơ thương vong cao.