Trực thăng vũ trang Mi-28NM được trang bị tên lửa không đối đất mới "305" (Ảnh: Sputnik).
Hãng Sputnik ngày 20/6 dẫn một nguồn tin nói: "Trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lực lượng không quân đã bắt đầu sử dụng tên lửa đa năng (LMUR) hạng nhẹ mới '305'. Các trực thăng vũ trang Mi-28NM đã phóng loại tên lửa này để tấn công hiệu quả các mục tiêu quan trọng của quân đội Ukraine, chẳng hạn như kho đạn dược và kho nhiên liệu."
Nguồn tin này nói với Sputnik: "Loại tên lửa mới này có thể đảm bảo độ chính xác cao đánh trúng mục tiêu với độ dung sai không quá 2 mét so với đường ngắm."
Nguồn tin cho biết loại tên lửa "305" này có các phương pháp dẫn đường khác nhau. Ngoài ngắm bắn trực tiếp, nếu theo phương thức "bắn rồi quên", mục tiêu được thiết bị tìm kiếm quang điện của tên lửa khóa chặt trong khi tên lửa vẫn ở trên giá treo ở máy bay, đạn hoàn toàn tự động sau khi phóng.
Một lựa chọn khác là chế độ điều khiển từ xa, việc phóng được thực hiện tại tọa độ bên ngoài tầm ngắm của mục tiêu tấn công.
Trong trường hợp này, tên lửa bay theo chế độ quán tính và khi nó tiếp cận mục tiêu, đầu dẫn tự động kết nối và hình ảnh từ đầu dẫn tên lửa được truyền đến màn hình của người điều khiển vũ khí trên buồng lái của máy bay trực thăng. Người điều khiển xác định mục tiêu và chỉ thị mục tiêu cho đầu dẫn tự động.
Tên lửa 305 được trang bị cho trực thăng vũ trang Ka-52 (Ảnh: Zhihu).
Tên lửa mới "305", từng được gọi là "Product-305" (Sản phẩm-305), đã ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm "Army-2021".
Tên lửa ban đầu được coi là vũ khí chống tăng, được phát triển bởi Công ty Kolomenskoye thuộc Cục Thiết kế Chế tạo Máy (KBM), được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định và di chuyển theo nhóm và riêng lẻ trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.
Trọng lượng phóng 105 kg, trọng lượng đầu nổ là 25 kg, tốc độ bay 230m/s, trần bay từ 100 đến 600m, tầm bắn tối đa của tên lửa là 14,5 km.
Ưu điểm lớn nhất của loại tên lửa này chính là đầu nổ có trọng lượng đặc biệt lớn, có thể nói là vô địch trong các loại tên lửa chống tăng đường không, tuy nhiên loại tên lửa này cũng mang đến những phiền phức rất lớn, không sử dụng được loại giá treo 2 tầng 4 quả đạn thường thấy và khi mang nó tải trọng bom đạn của trực thăng Mi-28 hoặc Ka-52 cũng bị giảm đi một nửa.
Điều khác biệt ở tên lửa này là phía trước nó được lắp một mũ chắn giống như cái nồi, kiểu bảo vệ này rất kỳ lạ, có người nói là để tránh cho việc đạn pháo phòng không gây ảnh hưởng đến đầu dẫn, nhưng khoảng cách phóng tương đối xa nên không cần thiết phải "đội mũ bảo hiểm" cho mỗi quả đạn. Thiết kế này làm hạn chế hành trình bay về phía trước trên quỹ đạo.
Tên lửa 305 được trưng bày tại triển lãm Army-2021 (Ảnh: ANNA).
Nói về ưu điểm của tên lửa, so với tên lửa Hellfire của Mỹ, đặc điểm lớn nhất của tên lửa "305" là có tầm bắn xa hơn, đầu đạn nặng hơn, được thiết kế để chống các phương tiện tăng thiết giáp thông thường và công sự kiên cố. Người ta cho rằng các nhà thiết kế đã lấy tấn công công sự kiên cố làm giới hạn trên uy lực thiết kế, đây là một ý tưởng độc đáo của người Nga.
Nhưng, sức mạnh được cải thiện lại khiến số lượng tên lửa được lắp giảm và hệ thống điều khiển hỏa lực cần được nâng cấp hơn nữa.
Được trang bị tên lửa 305, trực thăng Mi-28NM là nỗi khiếp đảm của xe thiết giáp và các kho tàng Ukraine (Ảnh: Sohu).
Tên lửa 305 mà người Nga đặc biệt khoe khoang là bay ở độ cao 100-600 mét, tên lửa tuyệt đối không thể bị đánh chặn, tuy nhiên người ta nghi ngờ về điều này.