Theo quan chức quân sự Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến tháng 5/2017 sẽ thành lập một đội quân đa quốc gia tại sườn phía Đông. Tuy nhiên, ngay từ tháng 1, một lữ đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh 4 của quân đội Mỹ sẽ đến Đức và sau đó tiếp tục di chuyển tới Ba Lan, trước khi ông Trump chính thức làm lễ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1.
Sau khi triển khai hệ thống kiểm tra tại Ba Lan, một tiểu đoàn sẽ quay trở về trung tâm huấn luyện tại Đức, trong khi một tiểu đoàn khác sẽ đến các quốc gia vùng Baltic và Romania.
Tờ Nhật báo Phố Wall cho biết thêm các quan chức quân sự NATO tuần trước cũng đã tổ chức buổi tập trận lớn nằm trong kế hoạch triển khai chiến dịch trên. Họ nhận xét động thái Mỹ gia tăng quân sự đóng vai trò như một bài kiểm tra đối với các đồng minh phương Tây.
Về phía Nga, trong những tháng gần đây, chính phủ nước này đã ra lệnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới khu vực Kaliningrad. Mỹ đã gọi những hành động đó của Nga là gây "mất ổn định an ninh châu Âu".
Phản ứng trước lời cáo buộc của Mỹ, giới chức Nga cho rằng việc triển khai tên lửa Iskander là một biện pháp bảo vệ quốc gia trước hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ lắp đặt ở Romania và có kế hoạch thiết lập tại Ba Lan – vũ khí mà Mỹ giải thích nhằm bảo vệ châu Âu khỏi bị tên lửa Iran tấn công.
Khi được hãng tin Interfax hỏi về vấn đề gia tăng quân sự ở Kaliningrad, người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời: "NATO là một khối hiếu thắng, Nga chỉ làm mọi thứ cần thiết phản ứng lại".
Mặc dù căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang song đối với Mỹ, dường như Tổng thống Nga Vladimir Putin lại có cách tiếp cận "hòa nhã" hơn khi tuyên bố Nga "sẵn sàng hợp tác" với chính quyền ông Trump để "bình thường hóa cũng như bắt đầu phát triển mối quan hệ song phương mới".
Trước đó, trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Trump luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước khả năng lãnh đạo của Tổng thống Putin cũng như mong muốn Mỹ và Nga sẽ hợp tác sâu hơn trên phương diện chống khủng bố.
Ngược lại, đối với các quốc gia đồng minh NATO, ông Trump đưa ra lời đe dọa sẽ cắt giảm hỗ trợ khối này. Thậm chí trong một buổi phỏng vấn với tờ New York Times, ông Trump cho biết trong trường hợp Nga tấn công các nước Baltic, ông sẽ cân nhắc phương án viện trợ các nước đồng minh dựa trên thái độ và đóng góp của các nước đó với NATO và Mỹ hay không.