Doanh nhân Nga cơ bản vẫn kiên định ủng hộ Putin
Các tài liệu nói trên đã giúp công chúng có dịp hiếm hoi được biết qua các hiểu biết của Mỹ đối với hiệu quả các biện pháp kinh tế mà nước này áp dụng, cũng như về mức độ phản ứng mà họ gặp phải ở Nga.
Tình báo Mỹ nhận thấy giới chức, các cơ quan và đội ngũ doanh nhân Nga có lo ngại về các xáo trộn do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra và đang tìm cách thích ứng với điều đó.
Mặc dù một số doanh nhân hàng đầu của Nga có thể không đồng tình với " chiến dịch quân sự đặc biệt " của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đó đã làm tổn thương hoạt động kinh doanh của họ nhưng ít khả năng họ sẽ rút sự ủng hộ dành cho Tổng thống Nga Putin, theo một bản đánh giá có vẻ là có từ đầu tháng 3/2023.
Bản đánh giá nói trên (được đóng dấu tuyệt mật) có đoạn: "Moscow đang dựa vào thuế doanh nghiệp đã tăng, quỹ đầu tư quốc gia, nhập khẩu gia tăng, và mức độ thích ứng của các doanh nghiệp để giảm nhẹ áp lực về kinh tế".
Xe tăng Nga nã pháo trong xung đột Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Các tài liệu mật trên - tờ Washington Post đã thu nhận được. Kỹ thuật viên Jack Teixeira của lực lượng Vệ binh quốc gia không quân bang Massachusetts (Mỹ) vào tháng 4 đã bị buộc tội lấy cắp và gửi đi các tài liệu mật này. Anh ta có thể đối mặt với án 15 năm tù.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã tung ra liên tiếp các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và các doanh nghiệp có mối liên hệ với điện Kremlin, cấm các công ty này làm ăn với họ.
Ngoài ra, các nước này cũng kiểm soát xuất khẩu và thực hiện các biện pháp thương mại khác để o ép kinh tế Nga và trừng phạt các tinh hoa trong lĩnh vực này.
Bản đánh giá bị rò rỉ cho biết: Các tinh hoa này “có khả năng kiên định giương cao mục tiêu của Kremlin ở Ukraine và kiên định giúp Moscow né tránh các lệnh trừng phạt”.
Tài liệu dựa trên hoạt động chặn thu tình báo
Giới chuyên gia cho rằng hiệu quả các lệnh trừng phạt dựa vào các yếu tố phức tạp hơn những gì mà một đánh giá riêng lẻ như thế này tính tới.
Tài liệu không nêu tác động của các lệnh trừng phạt mới áp đặt hay nỗi đau dài hạn của trần giá dầu ở châu Âu. Doanh thu từ dầu của Nga đã giảm mạnh.
Bản đánh giá cũng không khảo sát các nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến năng lực tác chiến của Nga, như mức độ tiêu hao đạn dược và nhu cầu tuyển thêm tân binh.
Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về các tài liệu được nêu. Nhà Trắng không phản ứng trước các câu hỏi liên quan đến các tài liệu này.
Các tài liệu không thảo luận sâu về nguồn của chúng nhưng chúng lại được đóng dấu bằng một mã cho thấy dữ liệu này được thu thập từ các liên lạc bị chặn thu.
Điều này cho thấy Mỹ đã tiếp cận được các kênh mà tại đó, các nhân vật Nga thảo luận riêng tư về cách thức giới hạn tác động của các đòn trừng phạt .
Tình báo Mỹ phát hiện Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã soạn một bức thư gửi Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hồi đầu tháng 3 để tìm kiếm sự hậu thuẫn cho các kế hoạch dự phòng nhằm tránh khả năng “sụp đổ” các thực thể do nhà nước Nga kiểm soát như Ngân hàng Đầu tư quốc tế, Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế và Ngân hàng Đầu tư Á-Âu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt.
Vai trò Ngân hàng IIB và yếu tố Trung Quốc
Ngày 12/4, Mỹ áp đặt trực tiếp các lệnh trừng phạt lên Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB) có trụ sở ở Budapest, thúc đẩy chính phủ Hungary tuyên bố sẽ rút khỏi hợp tác với thể chế tài chính này - một thể chế mà Nga mô tả là một ngân hàng phát triển quốc tế.
Một vài chuyên gia bày tỏ ngạc nhiên rằng Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov lại đi lo ngại đến vậy về một thể chế có mức độ hiện diện tương đối nhỏ trên thị trường.
Maria Snegovaya - một trong các tác giả báo cáo gần đây của CSIS về các lệnh trừng phạt, cho hay: “Về mặt kinh tế, IIB không có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga”.
Tuy nhiên ngân hàng trên, được lập vào thời Xô viết, là một thể chế bị nghi ngờ có mối liên hệ với hoạt động tình báo, theo András Rácz - nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Đức.
Theo một tài liệu khác, tình báo Mỹ phát hiện ra rằng giới chức tại Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) quan ngại về tình trạng các ngân hàng nội địa của Nga không nắm đủ ngoại tệ.
Theo đó, các quan chức này cũng cảnh báo rằng Mỹ có thể áp đặt loạt lệnh trừng phạt thứ 2 nhằm vào các công ty Trung Quốc vẫn làm ăn với Nga và hối thúc giữ bí mật về các giao dịch đó.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington đã công bố một bản báo cáo vào tháng 4 này với nội dung Nga vẫn sở hữu một “mức độ thích ứng đáng kể trước các lệnh trừng phạt của phương Tây” dù rằng các lệnh trừng phạt đó có làm chậm đà chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Hồi tháng 1/2023, Tổng thống Nga Putin công khai ca ngợi sự “dẻo dai” của nền kinh tế Nga. Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine bị suy giảm tới hơn 30%.