Xe quân sự của Nga đậu tại sân bay Ivanovo (Nga) chờ lên máy bay vận chuyển sang Kazakhstan ngày 6/1. Ảnh: AFP
Thông tin trên do tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa ra ngày 11/1. “Trung Quốc và Nga, với vai trò là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và là láng giềng hữu nghị với các nước Trung Á, sẽ không bao giờ cho phép bất ổn hay chiến tranh nổ ra tại khu vực”, ông Vương Nghị bày tỏ quan điểm trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Lavrov.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho rằng Trung Quốc và Nga cần tăng cường điều phối và hợp tác, chống lại can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các quốc gia ở Trung Á; cùng nhau ngăn chặn “cách mạng sắc màu” và diệt trừ “ba kẻ thù” nguy hiểm là chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan.
Trước đó, theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, Nga đã điều hàng nghìn binh sĩ sang Kazakhstan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Về phần mình, Bắc Kinh tuyên bố sẽ phối hợp với Kazakhstan thúc đẩy hợp tác an ninh.
Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc được đưa ra tại thời điểm Washington đặt câu hỏi về việc Nga triển khai lực lượng quân sự tới Kazakhstan trong khuôn khổ CSTO, cùng với đó là tiến trình đàm phán Nga-Mỹ về bảo đảm an ninh diễn ra tại Geneva nhằm xử lý bất đồng liên quan đến tình hình Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Kazakhstan sẽ gặp khó khăn để yêu cầu Nga rút quân sau khi dập tắt bạo loạn và lập lại trật tự.
"Tôi cho rằng cơ quan chức năng và chính phủ Kazakhstan chắc chắn đủ năng lực giải quyết các cuộc biểu tình một cách phù hợp nhằm tôn trọng quyền của người biểu tình trong khi duy trì luật pháp và trật tự, do đó không rõ tại sao họ cảm thấy cần bên ngoài hỗ trợ", ông Blinken phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/1.
Tình hình tại Kazakhstan dần ổn định trở lại. Ngày 11/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã đề cử ông Alikhan Smailov làm thủ tướng nước này. Hạ viện Kazakhstan ngay sau đó đã nhóm họp và nhanh chóng bỏ phiếu thông qua đề cử ông Smailov làm tân thủ tướng.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của chính phủ và quốc hội, Tổng thống Tokayev cho biết CSTO đã hoàn tất nhiệm vụ thành công và sẽ bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan trong hai ngày tới. Theo Tổng thống Tokayev, thời gian tối đa CSTO hoàn tất việc rút binh sĩ khỏi quốc gia Trung Á này là 10 ngày.
Biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan.
Trước tình hình bạo lực leo thang - mà nguyên nhân được cho là do các phần tử khủng bố đứng đằng sau, Tổng thống Tokayev tối 5/1 đã phải đề nghị sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO.
Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.