Xung đột tại Syria đang không ngừng leo thang, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước nguy cơ xảy ra xung đột trực diện ở Idlib, hiện cả 2 bên đang không ngừng tăng cường vũ khí và lực lượng đến Syria.
Theo báo cáo của Spunik Nga ngày 24/2, nguồn tin quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib tiếp tục bị không kích làm 13 binh lính thiệt mạng.
Một trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Nguồn: Sohu.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đơn phương bãi bỏ thỏa thuận đã đạt được với Nga về việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ không xâm phạm không phận Syria, đồng thời, trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường máy bay chiến đấu đến tham chiến ở Syria để đối phó lại các cuộc tấn công “vô đạo đức” nhằm vào các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù so sánh về tương quan lực lượng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đối thủ của Nga cả về quân số trang bị lẫn chiến lược và chiến thuật tác chiến.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại có nhiều lợi thế một khi xảy ra xung đột với Nga ở Syria, Idlib là tỉnh biên giới sát với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhanh chóng triển khai vũ khí và lực lượng đến đây, đồng thời hoạt động hỗ trợ hậu cần, sửa chữa trang thiết bị cũng có nhiều thuận lợi hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động nhiều binh lực đến Idlib. Nguồn: Sohu.
Một yếu tố quan trọng khác đó là Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển chiến lược Bosporus, “nút thắt cổ chai” duy nhất để các tàu Nga từ Biển Đen đi ra Địa Trung Hải tiến vào Syria. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển này tương đương với việc cắt đứt tuyến đường tiếp tế hàng hải quan trọng nhất của Nga.
Để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra (Nga – Thổ xung đột trực diện ở Idlib), Nga đang âm thầm từng bước tiến hành điều động binh lực đến Syria, trong quá trình điều động, cũng hạn chế sử dụng tuyến hàng hải thông qua eo biển Bosporus.
Eo biển Bosphorus là tuyến hàng hải huyết mạch của Nga để đưa lực lượng đến Syria. Nguồn: Sohu.
Theo báo cáo của Đài truyền hình Zvezda thuộc Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/2, Nga đã tập hợp khoảng 4.500 quân và trang bị cùng 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không tại một sân bay của Quân khu phía Nam để chuẩn bị lên đường đến căn cứ Không quân Hmeymin và sân bay Damascus.
Nga huy động 30 máy bay vận tải loại lớn IL-76 để nhanh chóng vận chuyển toàn bộ lực lượng và trang bị này. Theo kế hoạch, cuối tháng 2/2020 sẽ hoàn thành bố trí toàn bộ số lực lượng và trang bị này ở Idlib và Damascus.
Để đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn, Bộ Quốc phòng Nga đã ngay lập tức tiến hành giám sát không phận Thổ Nhĩ Kỳ theo Hiệp ước Bầu trời mở.
Theo báo cáo của TASS ngày 25/2, Nga đã điều máy bay trinh sát Tu-154M tiến hành giám sát toàn bộ không phận Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 25-28/2, hoạt động giám sát của Nga sẽ căn cứ theo đúng lộ tuyến bay được quy định trong Hiệp ước này, hành trình giám sát sẽ khoảng 1.900 km.
Hàng chục máy bay vận tải quân sự IL-76 của Nga tập kết ở Quân khu phía Nam. Nguồn: Sohu.
Báo cáo cũng cho biết, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng hệ thống phòng không S-400 theo dõi chặt chẽ máy bay của Nga, đồng thời cũng điều động nhiều máy bay F-16 giám sát lộ tuyến bay của Tu-154M để đề phòng các tình huống khác nảy sinh.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào tháng 3/1992 tại Phần Lan và có hiệu lực năm 2002. Hiện có 34 quốc gia thành viên tham gia văn kiện này, bao gồm Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và phần lớn các quốc gia thuộc NATO.
Hiệp ước cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi, từ đó giúp tăng cường tính minh bạch, hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, mở rộng khả năng ngăn chặn xung đột và quản lý các tình huống khủng hoảng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hệ thống S-400 giám sát không phận của mình. Nguồn: Sohu
Giới quan sát của Nga cho rằng, với việc sử dụng hệ thống S-400 và điều động nhiều máy bay F-16 thì việc vận chuyển vũ khí trang bị của Nga đến Syria cũng có khả năng bị Thổ Nhĩ Kỳ giám sát chặt chẽ.
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra thông báo chính thức về hành động này của Nga, nhưng nhiều khả năng, thời gian tới Ankara sẽ tiếp tục tăng thêm quân đến Idlib. Nếu 2 bên không thực sự kiềm chế thì một cuộc xung đột Nga – Thổ ở Idlib hoàn toàn có thể xảy ra.