Nga điềm tĩnh trước Hamas-Israel: Putin định tái hiện kịch bản Syria?

Trương Mạnh Kiên |

Nga đang thể hiện sự thờ ơ với cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hamas, nhưng có vẻ như đây là chiến thuật khá quen thuộc mà ông Putin từng áp dụng ở Syria.

Nga trung lập hay đang chờ thời cơ?

Trong cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hamas, Nga đã tự giới hạn mình trong các tuyên bố ngắn gọn của Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, khi kêu gọi các bên bình tĩnh và khuyến khích những chiến binh cực đoan tránh nhắm mục tiêu vào dân thường.

Trên thực tế, lập trường của Moscow phản ánh mong muốn thể hiện sự trung lập trong một cuộc xung đột được cho là không thể hòa giải.

Tuy nhiên, các nhà phân tích hiện tại vẫn không rõ liệu quan điểm thực sự của Nga là trung lập hay nước này đang muốn tái hiện các chiến thuật ở Syria và Libya, theo Arab Weekly.

Các chiến thuật mà Nga sử dụng thường có mô típ chung là ít quan tâm ở giai đoạn đầu, đợi đến khi diễn biến tiến triển đến một thời điểm cụ thể, Moscow bước vào giai đoạn phức tạp và trở thành một người chơi lớn.

Khi bắt đầu cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên bang Nga tuần trước, ông Putin nói rằng sự leo thang của xung đột Israel-Palestine đang diễn ra gần với biên giới Nga và có tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh của Moscow.

Câu nói của ông Putin được hiểu là đang ám chỉ sự hiện diện của Nga ở Syria bên cạnh đấu trường Palestine-Israel. Điều này thể hiện quan điểm của Moscow về các vấn đề Ả Rập nói chung, đặc biệt là về người Palestine.

Nga điềm tĩnh trước Hamas-Israel: Putin định tái hiện kịch bản Syria? - Ảnh 2.

Nga đang tỏ ra trung lập trong cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hamas.

Theo đó, Moscow hiện đã tính đến mức độ gần gũi giữa sự hiện diện của mình ở Syria với Israel và những lợi ích chung mà hai bên đang chia sẻ.

Quan điểm về khu vực của Moscow dường như cũng trở nên đồng điệu hơn với Tel Aviv, khi Nga trong vài năm trở lại đây không can dự đối với việc Israel nhắm mục tiêu được cho là của Iran và Hezbollah ở Syria.

Không có động thái che giấu nào trong sự phối hợp cấp cao của Nga-Israel ở Syria, đặc biệt là những nỗ lực của Tel Aviv nhằm đẩy Iran ra khỏi Syria. Thái độ này đã được thể hiện rõ ràng trong các chuyến thăm liên tiếp của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Moscow trong những năm gần đây.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng vấn đề quan hệ hợp tác giữa Moscow và Tel Aviv trở nên quan trọng hơn cả sự hiện diện của Iran ở Syria, vì Nga đã trở thành láng giềng của Israel và các lợi ích kinh tế lẫn an ninh của Nga đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với Israel.

Ngoài các căn cứ quân sự trên bộ và trên biển ở Syria, Nga đã trở thành nhà khai thác khí đốt của Syria ở Địa Trung Hải. Sự thấu hiểu với Israel sẽ giúp nước này không vấp phải những tranh cãi về biên giới biển. Quan hệ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập câu lạc bộ các nhà sản xuất khí đốt ở Địa Trung Hải, ngay cả khi Moscow không phải là thành viên chính thức của Diễn đàn Đông Địa Trung Hải.

Các nhà phân tích tin rằng đây là một trong những lý do khiến các tuyên bố của Nga liên quan đến leo thang giữa Hamas và Israel được kiềm chế và cân chỉnh tỉ mỉ. Các phát biểu chung bị giới hạn trong lời kêu gọi bình tĩnh và tránh mục tiêu dân thường.

Tọa sơn quan hổ đấu

Nga điềm tĩnh trước Hamas-Israel: Putin định tái hiện kịch bản Syria? - Ảnh 3.

Quan hệ Nga-Israel đang thăng tiến từng ngày.

Moscow dường như hài lòng khi giao nhiệm vụ hòa giải và tiếp xúc cho các nước trong khu vực có liên hệ trực tiếp với hai bên leo thang, chẳng hạn như Ai Cập và Qatar.

Bây giờ Nga sẽ chỉ đơn giản là theo dõi tình hình tiếp theo, biết rằng mức độ leo thang sẽ không bị chi phối bởi các bên hòa giải, đặc biệt là vì Mỹ dường như không vội vàng gây áp lực buộc Israel ngừng các cuộc tấn công, cũng như Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu từ chối bất kỳ cuộc đàm phán nào trước khi phá hủy kho rocket của Hamas.

Các nhà phân tích tin rằng, Nga – quốc gia đang tận dụng lập trường bối rối của Washington về cuộc xung đột Palestine và các vấn đề khu vực khác - cuối cùng sẽ chọn thời điểm và cách thức can thiệp riêng.

Theo suy đoán, sự hội tụ lợi ích của Nga với Israel và mối quan hệ truyền thống của nước này với người Palestine có thể mở đường cho Moscow đóng vai trò một nhà hòa giải hiệu quả, được công chúng chấp nhận.

Các nhà phân tích nhớ lại thành công của Moscow khi trở thành một nhân tố chính trong cuộc chiến ở Syria và cách nước này can thiệp sau 3 năm xung đột bắt đầu.

Điều tương tự cũng áp dụng ở một mức độ lớn đối với Libya, nơi Nga để cho người Mỹ và các bên khác thiết lập bất kỳ vai trò nào mà họ muốn rồi sau đó can thiệp ở giai đoạn sau để trở thành một nhân tố chính trong tiến trình hòa giải.

Trong khi Nga duy trì tư thế “ngồi ngoài hàng rào”, Washington không giấu giếm sự ủng hộ chính quyền Netanyahu khi đối mặt với rocket Hamas, đồng thời hối thúc hai bên tránh nhắm vào dân thường.

Tổng thống Joe Biden cũng như Ngoại trưởng Anthony Blinken tuyên bố Washington ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel trước rocket Hamas.

Trong một động thái thể hiện cam kết của Washington, nhiều trang tin tức cho biết chính quyền Biden đã chấp thuận việc bán vũ khí cho Israel trị giá 735 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại