Bất chấp phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, Nga vẫn bày tỏ tự tin về tương lai ngành công nghiệp vũ khí. (Ảnh: TASS)
Theo Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSMTC), ông Dmitry Shugayev, “danh sách các đơn hàng của chúng ta vẫn ở mức từ 50-55 tỉ USD”. Vậy chiến lược của Nga để thu hút khách hàng và chinh phục thị trường là gì?
Vào mùa hè năm 2021, Nga đã ký một loạt hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 3 tỉ euro. Việc này được thực hiện trong khuôn khổ các cuộc triển lãm vũ khí quốc tế được tổ chức trong nước như: Triển lãm Quốc phòng Hàng hải Quốc tế 2021 (IMDS-2021), Triển lãm Hàng không-vũ trụ quốc tế 2021 (MAKS-2021), Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế 2021 (Army-2021).
Số tiền này bao gồm các đơn đặt hàng cung cấp máy bay Su-30, trực thăng chiến đấu Mi-35 và Mi-171 cùng với các hệ thống vũ khí hàng không khác nhau. Các hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir và tên lửa phòng không vác vai Verba đã được đặt hàng.
Các khách hàng cũng quan tâm đến radar Protivnik-GE, hệ thống tác chiến điện tử Krasukha và Repquito-Patrol cũng như hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại nhất của Nga Kornet-EM.
Ngoài ra, người mua nước ngoài quyết định mua các mô-đun chiến đấu được điều khiển từ xa, vũ khí cho tàu và tàu ngầm, vũ khí nhỏ và đạn dược. Đặc biệt, lần đầu tiên hệ thống pháo phòng không Palma được xuất khẩu.
Tăng doanh số bán hàng cho các đối tác nước ngoài là một chiến lược của các nhà sản xuất vũ khí Nga.
Chiến lược này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga hoàn thành việc hiện đại hóa kho vũ khí. Theo đó, Moscow đã đầu tư 23.000 tỉ ruble (khoảng 350 tỉ USD) vào chương trình tái vũ trang quân đội kéo dài 10 năm (2011-2020).
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, năm nay tỷ lệ tái trang bị vũ khí, trang bị hiện đại của quân đội lên tới 71,9% - đây là chỉ số cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, ngành công nghiệp quốc phòng cần phải đa dạng hóa việc sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự.
Nga hút khách trên thị trường vũ khí toàn cầu
Trong nhiều thập kỷ đầu tư vào hiện đại hóa ngành công nghiệp quân sự và đặt hàng các loại vũ khí mới đã dẫn đến thực tế là tổ hợp công nghiệp-quân sự dư thừa năng lực, mà giờ đây chỉ có thể được thực hiện trên thị trường bên ngoài.
Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec đã nhìn thấy xu hướng này sớm hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng sản xuất thừa xuất hiện. Giải pháp cho vấn đề này là một chính sách tích cực trong việc quảng bá sản phẩm trên thị trường, vốn trước đây không thuộc phạm vi năng lực của Nga.
Theo đó, tại Triển lãm Hàng không-vũ trụ quốc tế 2021, lần đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp Nga, một máy bay chiến thuật hạng nhẹ mới có tên Su-75 Checkmate (Chiếu tướng) đã được giới thiệu dưới dạng mô phỏng.
Giám đốc điều hành Tập đoàn nhà nước Rostec Sergei Chemezov cho biết, sản phẩm mới này sẽ có giá 25-30 triệu USD, rẻ hơn nhiều lần so với các sản phẩm nước ngoài.
“Chúng ta đang nói về 2 chiếc máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp và Saab Gripen của Thụy Điển. Chúng có giá trong khoảng 60-90 triệu USD, Checkmate sẽ trở thành một giải pháp thực sự hiệu quả cho những quốc gia không thể mua tiêm kích F-35 Lightning II với giá 120 triệu USD”, ông Chemezov nhận định.
Các vũ khí và thiết bị quân sự do Nga chế tạo được đánh giá có hiệu quả chiến đấu cao và hoạt động bền bỉ, đáp ứng được nhu cầu về vũ khí của quân đội các nước. (Ảnh: RIA)
Vào tháng 2, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov, trong một cuộc triển lãm vũ khí ở Abu Dhabi cho biết, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ thành lập một liên doanh để phát triển và chế tạo máy bay phản lực chở khách siêu thanh. Theo ông Manturov, quỹ đầu tư Mubadala của UAE sẽ tham gia vào dự án.
Tuy nhiên, không giống như phương Tây, Nga không gắn vấn đề chính trị trong việc chọn lựa khách hàng mua vũ khí.
Vào năm 2015, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một chiếc Su-24M của Nga đang thực hiện sứ mệnh tiêu diệt căn cứ khủng bố và tiến vào không phận Ankara.
Dù vậy, Moscow vẫn sẵn sàng cung cấp cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa phòng không S-400. Hơn nữa, ông Chemezov còn đề nghị giúp Ankara chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
“Thổ Nhĩ Kỳ muốn thực hiện dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm TF-X của riêng mình. Sở hữu năng lực độc đáo trong lĩnh vực phát triển và sản xuất máy bay, chúng tôi có thể xem xét khả năng hỗ trợ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chế tạo máy bay chiến đấu mới”, Giám đốc điều hành Tập đoàn nhà nước Rostec, ông Chemezov cho biết.
Những ví dụ này minh họa hành động của các nhà buôn vũ khí và thiết bị quân sự của Nga. Không chỉ bán vũ khí với mức giá ưu đãi hơn các đối thủ, Nga còn chia sẻ công nghệ sản xuất vũ khí.
Các thị trường truyền thống của Nga như Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang tràn ngập vũ khí Nga. Tuy nhiên, Nga xác định cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ giữ vững vị thế ở các thị trường truyền thống mà còn phải thâm nhập những thị trường mới.
Bất chấp, Mỹ và các nước phương Tây khác đang cố gắng ngăn chặn những thương vụ mua bán vũ khí của Nga, nhưng Moscow với khả năng chế tạo hàng loạt vũ khí mới đang thay đổi tình trạng này.