Không chỉ có tên lửa phòng không S-300 PMU-2 Favorit, Nga còn triển khai các hệ thống chế áp, đối kháng điện tử (ECM) hiện đại để biến không phận Syria thành "vùng không thể xâm phạm" đối với lực lượng không quân nước ngoài.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, những biện pháp trên là cần thiết để tránh thảm kịch máy bay IL-20 tái diễn và tăng cường bảo vệ lực lượng Nga đang tham chiến chống khủng bố tại Syria.
Lá chắn mềm bằng hệ thống đối kháng điện tử
Theo các thông tin thân cận với Quân đội Nga, ngay sau tuyên bố của Moscow, việc triển khai các thành phần của hệ thống ECM tại Syria đã bắt đầu. Các thành phần của "lực lượng tác chiến không tiếng súng" này đã được không vận tới căn cứ Hmeymin trong tuần này.
Căn cứ vào những hình ảnh được công khai, những máy bay IL-76 xuất hiện tại căn cứ Hmeymin trong tuần qua chính là cầu không vận để thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tại, vẫn chưa rõ chính xác Nga đã triển khai những thành phần ECM nào tới Syria.
Nga đang tăng cường khả năng phòng không của Syria không chỉ bằng tên lửa phòng không, mà còn là các hệ thống ECM hiện đại và chưa từng có tiền lệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố, nhiệm vụ chính của hệ thống ECM tại Syria là gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh, tín hiệu ra-đa dẫn đường nhằm vào các thiết bị bay có mục đích thù địch trong không phận Syria và một số khu vực trên Địa Trung Hải.
Chuyên gia Dmitry Kornev, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Military Russia, nhận định, nhiều khả năng hệ thống Krasukha-4, R-330J Jitel, thậm chí là tổ hợp ECM di động thế hệ mới nhất Divnomorie đã có mặt tại Syria.
Các hệ thống ECM trên đủ khả năng để tạo ra "vùng chết" của sóng điện tử không chỉ trong không phận Syria, mà còn mở rộng ra tới vài trăm km xung quanh lãnh thổ quốc gia Cận Đông này.
"Các hệ thống Krasukha-4, R-330J Jitel được thiết kế để vô hiệu hóa kênh liên lạc vô tuyến và dẫn đường vệ tinh đã tương đối nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự xuất hiện của hệ thống Divnomorie. Đây là hệ thống ECM thế hệ mới nhất của Nga. Nó có chức năng tổng hòa của cả Krasukha-4, R-330J Jitel.
Ngoài ra, Divnomorie còn có thể khả năng can nhiễu và chèn tín hiệu giả khiến đối phương mất phương hướng và lạc mục tiêu", chuyên gia Dmitry Kornev đánh giá.
Trước đây, để bảo vệ căn cứ Hmeymin và Tartus, Nga đã triển khai một số hệ thống Krasukha-4 tại Syria. Mỗi hệ thống Krasukha-4 tạo ra vùng tác chiến bao phủ 150-300km nhằm vào hệ thống liên lạc, dẫn đường vô tuyến của đối phương. Việc triển khai thêm các hệ thống tương tự tới Syria sẽ tạo hệ thống ECM dày đặc, chưa từng được thực hiện trước đây.
Trong khi đó, các hệ thống R-330J lại có khả năng tự động phát hiện các kênh dẫn đường vệ tinh đang được thiết lập trong khu vực và chế áp nó. Bán kính tác chiến của R-330J khoảng 20-30km.
Mạnh mẽ hơn cả là hệ thống Divnomorie. Hệ thống này thiết kế để can thiệp và gây nhiễu đối với mọi thiết bị điện tử trong khu vực tác chiến.
Đặc biệt, hệ thống Divnomorie được cho là đối phó hiệu quả với các dòng máy bay trinh sát, cảnh báo sớm và chỉ huy trên không như: E-3, E-2 Hawkeye và E-8 JSTAR, trong phạm vi hàng trăm km.
Các khối thiết bị chiến đấu của Divnomorie nhỏ gọn và được đặt trong một hệ thống điều khiển chung khiến nó có có thời gian triển khai và thu hồi ngăn (chỉ khoảng vài phút).
Lá chắn cứng bằng tổ hợp S-300PMU-2
Sau sự kiện máy bay IL-20 gặp nạn, Nga đã quyết định bàn giao các tổ hợp tên lửa S-300 với tầm bắn 250km cho Syria trong 2 tuần. Với các thông tin được công bố, phiên bản S-300 chuyển giao cho Syria nhiều khả năng là biến thể S-300PMU-2 Favorit được niêm cất của Quân đội Nga.
Các thành phần của tổ hợp S-300PMU-2 được không vận tới Syria.
Với năng lực tác chiến vượt trội của các tổ hợp S-300, hệ thống phòng không Syria cơ bản được thay máu.
Ngoài ra, các tổ hợp S-300 của Syria được tích hợp với hệ thống phòng không Nga triển khai bảo vệ các căn cứ Hmeymin và Tartus thông qua hệ thống điều khiển tự động hợp nhất.
Điều này không chỉ giảm rủi ro đối với Quân đội Syria, mà còn tránh kịch bản bắn nhầm như trong vụ việc chiếc IL-20 bị bắn rơi lặp lại.
Theo trang tin Nga Izvestia, trong giai đoạn đầu tiên, 2 tổ hợp S-300 PMU-2 sẽ có mặt ở Syria. Với 12 bệ phóng (4 đạn/1 bệ), hệ thống ra-đa nhìn vòng đa năng 64H6E2 của mỗi tổ hợp S-300 sẽ đảm bảo khả năng tiêu diệt bất kỳ mục tiêu bay nào trong phạm vi hơn 200km. Toàn bộ quá trình được thực hiện tự động hóa hoàn toàn nhờ hệ thống chỉ huy hợp nhất.
Trung tướng Alexander Gorkov, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa phòng không Nga nhận định, nhiều khả năng các tổ hợp S-300 đầu tiên sẽ được triển khai tại khu vực duyên hải của Syria.
Đây là việc làm cần thiết để ngăn ngừa các đòn tập kích đường không từ hướng biển nhằm vào các vị trí trong nội địa Syria.
"Việc kiểm soát khu vực duyên hải sẽ bao gồm cả các đường bay Israel hay sử dụng để tấn công Syria", Trung tướng Alexander Gorkov cho biết.
Chuyên gia quân sự Vladislav Shurygin đánh giá, với việc chuyển giao S-300 cho Syria và triển khai các hệ thống ECM hiện đại nhất tới quốc gia Cận Đông này, Nga đang biến không phận Syria thành "vùng không thể xâm phạm".
"Lực lượng quân sự Nga ở Syria không chỉ đóng tại Hmeymin và Tartus, mà còn tại nhiều khu vực khác. Nhiều khu vực có sự hiện diện của binh sĩ Nga không được bảo vệ bằng vũ khí phòng không hiện đại.
Các cuộc không kích bất ngờ của Israel nhằm vào Syria đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của họ. Việc triển khai các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại tới Syria sẽ giúp loại bỏ mối đe dọa này", chuyên gia Vladislav Shurygin nhận xét.