Trang South Front dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vào hôm 1/2 cho biết, Quân đội Iraq đã tiếp nhận lô xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và T-90SK đầu tiên trong ngày 16/1.
Theo hợp đồng ký kết vào tháng 7/2017 giữa Rosoboronexport với phía Iraq thì Nhà máy toa xe Ural (Uralvagonzavod) sẽ lắp rap cho Iraq tổng cộng 73 chiếc chiến xa loại này.
Như vậy chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ khi bắt tay thực hiện thì phía Nga đã giao được xe tăng cho quốc gia Trung Đông này, tốc độ không thua kém gì so với việc Thái Lan nhận xe tăng VT4 từ Trung Quốc.
Xe tăng T-90S vừa được Nga giao cho Quân đội Iraq
Trước đó vào cuối năm 2017, trên kênh truyền hình Russia 1 đã xuất hiện hình ảnh xe tăng T-90 đang được lắp ráp, dựa vào màu sơn ngụy trang thì hầu hết nhận định đều cho rằng đây là sản phẩm làm theo yêu cầu của Iraq.
Những chiếc T-90 này được trang bị bộ giáp hông mới tương tự loại lắp trên xe tăng T-72B3 đời 2017 và T-80BVM, mang lại cấp độ bảo vệ lớn hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên trên xe tăng của Iraq không thấy đèn nhiễu OTShU-7-1 thuộc tổ hợp Shtora-1, nguyên nhân được giải thích là do khí tài này khó phát huy hiệu quả tại vùng khí hậu có nhiệt độ cao.
Các thành phần khác của T-90S bản xuất khẩu tương đương với T-90A nội địa đang phục vụ trong Quân đội Nga, bao gồm lắp động cơ diesel tăng áp V-92S2 12 xi lanh công suất 1.000 mã lực, pháo nòng trơn 125 mm 2A46M với hệ thống nạp đạn tự động cùng kính ngắm hồng ngoại - ảnh nhiệt Sosna-U, cho phép phóng tên lửa 9M119 Refleks qua nòng.
Hình ảnh xe tăng T-90 được Công ty Uralvagonzavod lắp ráp theo đơn hàng với Iraq khi còn trên dây chuyền sản xuất
Quân đội Iraq quyết định chuyển hướng sang sử dụng dòng T-90S/SK của Nga trong khi đã có sẵn M1 Abrams của Mỹ được cho là xuất phát từ màn thể hiện ấn tượng của nó trên chiến trường Syria, hỏa lực cực mạnh của T-90 đã đóng góp vai trò lớn trong các thắng lợi của quân đội chính phủ trước phiến quân.
Bên cạnh đó không thể không nhắc tới khả năng bảo vệ cực cao của vỏ giáp T-90, sự kết hợp giữa giáp hộp composite phức hợp cùng giáp phản ứng nổ Kontakt 5 đã giúp chiếc chiến xa này nhiều lần thoát nạn khi bị trúng tên lửa chống tăng hiện đại, nay khi được nâng cấp lên giáp Relikt thì mức độ an toàn cho kíp chiến đấu còn tăng lên gấp bội.
So sánh với M1 Abrams, phiên bản xuất khẩu cho Iraq không được tích hợp nhiều khí tài tối tân như phiên bản dùng trong Quân đội Mỹ, dẫn đến sức chiến đấu bị suy giảm, trọng lượng nặng nề cùng động cơ turbine khí Honeywell AGT1500-C "uống nhiên liệu như nước lã" và yêu cầu bảo trì phức tạp cũng là một ác mộng với người sử dụng.
Quan trọng hơn cả, vỏ giáp của M1 Abrams không cung cấp đủ độ tin cậy, hình ảnh những con quái vật thép cỡ lớn này bị "nướng chín" chỉ bằng vũ khí chống tăng thông dụng như RPG-7 là rất phổ biến, kể từ khi được Mỹ bàn giao cho đến khi hoàn thành chiến dịch quân sự giải phóng Mosul, số lượng tăng M1 Abrams của Iraq đã suy giảm một cách đáng kể.
Ngoài ra còn một chi tiết nữa cũng cần được quan tâm, đó là căn cứ vào tiến độ sản xuất thì khả năng cao là sắp tới Việt Nam sẽ nhận được những chiếc T-90S/SK đầu tiên, do hợp đồng của chúng ta được ký với thời điểm gần như tương đồng và phía Nga từng tuyên bố đang khẩn trương thực hiện hợp đồng.
Quân đội Iraq nhận lô xe tăng T-90 đầu tiên từ Nga