Vì sao Trung Quốc vẫn duy trì mẫu máy bay lạc hậu dù đã có một loạt chiến đấu cơ hiện đại?

Chí Linh |

Mặc dù đã chế tạo hàng loạt nhiều loại máy bay huấn luyện - chiến đấu hiện đại nhưng Không quân Trung Quốc vẫn giữ lại rất nhiều JJ-7 - phiên bản sửa đổi từ MiG-21U.

Trang Sina của Trung Quốc mới đây đã đăng tải chùm ảnh về hoạt động huấn luyện phi công tại Trường Hàng không Tây An, tại đây các học viên bay đã thực hiện bài bay trên các phản lực cơ JJ-7 trong thời tiết giá lạnh.

JJ-7 là phiên bản phi cơ huấn luyện 2 chỗ ngồi dựa trên loại J-7, trong khi đó J-7 lại là biến thể MiG-21 Trung Quốc sản xuất theo giấy phép dưới sự hỗ trợ cả về công nghệ lẫn kỹ thuật từ Liên Xô khi quan hệ giữa hai nước còn nồng ấm.

Chiếc JJ-7 do Viện thiết kế máy bay Quý Châu (hiện nay là Tập đoàn công nghiệp hàng không Quý Châu - GAIC) chế tạo vào năm 1981, tính năng của nó được cho là tương đương với MiG-21U Mongol-A.

Vì sao Trung Quốc vẫn duy trì mẫu máy bay lạc hậu dù đã có một loạt chiến đấu cơ hiện đại? - Ảnh 1.

Máy bay huấn luyện - chiến đấu JJ-7 của Trường Hàng không Tây An - Trung Quốc

JJ-7 được sản xuất thêm 2 dòng cải tiến đó là JJ-7I tương đương với MiG-21US, máy bay trang bị ghế phóng Type-II, chỉ có một lượng nhỏ được chế tạo đóng vai trò như bước đệm trước khi phiên bản JJ-7II tiên tiến hơn ra đời.

Biến thể JJ-7II tích hợp hệ thống điện tử Rockwell Collins có nguồn gốc phương Tây và trở thành tiêu chuẩn của các phiên bản J-7 sau này. Chiếc J-7 được Trung Quốc xuất khẩu cho nhiều quốc gia châu Á và châu Phi dưới tên gọi FT-7.

Việc Không quân Trung Quốc vẫn duy trì tới vài trăm máy bay JJ-7II được cho là có giá trị lớn trong việc đào tạo phi công, tuy rằng tương đối "thô sơ" nhưng học viên đã làm chủ được chiếc máy bay này sẽ không gặp nhiều khó khăn khi điều khiển các dòng chiến đấu cơ tối tân như J-10 hay J-11/16.

Vì sao Trung Quốc vẫn duy trì mẫu máy bay lạc hậu dù đã có một loạt chiến đấu cơ hiện đại? - Ảnh 2.

Biên đội máy bay huấn luyện JJ-7 của Trường Hàng không Tây An cất cánh

Đặc trưng của chiếc JJ-7 nói chung cũng như dòng MiG-21 nói riêng đó là diện tích cánh nhỏ, tốc độ hạ cánh rất cao, cộng thêm với hệ thống điện tử hàng không thua kém rất nhiều các máy bay hiện đại sẽ đòi hỏi phi công phải thực sự phát triển kỹ năng của mình, tránh phụ thuộc vào phương tiện hỗ trợ.

Đào tạo phi công trên chiếc JJ-7 thậm chí còn được so sánh như là huấn luyện thủy thủ trên tàu buồm trước khi đưa lên thực hành trên những con tàu hiện đại, nhằm giúp học viên nắm được cách dùng la bàn, nhìn sao xác định phương hướng hay tận dụng dòng hải lưu...

Tuy vậy trong tương lai không xa, dự kiến Không quân Trung Quốc sẽ từng bước thay thế hết loại JJ-7 bằng chiếc JL-9 Sơn Ưng (hay còn gọi bằng cái tên FTC-2000), đây thực chất cũng vẫn là một dẫn xuất từ chiếc JJ7 nhưng trang bị hiện đại hơn nhiều.

Trung Quốc giới thiệu máy bay huấn luyện - chiến đấu siêu âm JL-9 (FTC-2000) - Đối tượng thay thế JJ-7 trong tương lai

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại