Nga có thể rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở trước mùa hè năm nay

Lê Ngọc |

Nga đang làm các thủ tục trong nước và nếu không có động thái tích cực nào từ phía Mỹ, Nga sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở trước mùa hè năm nay.

Nếu không có động thái tích cực nào từ phía Mỹ, Nga sẽ rút khỏi TOS trước mùa hè năm nay; Nguồn: jetphotos.com

Nếu không có động thái tích cực nào từ phía Mỹ, Nga sẽ rút khỏi TOS trước mùa hè năm nay; Nguồn: jetphotos.com

Hiệp ước Bầu trời Mở

Ban đầu được đàm phán bởi các thành viên của NATO và Hiệp ước Warsaw, Hiệp ước Bầu trời Mở (Treaty on Open Skies - TOS) đã được ký kết vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki (Phần Lan), tuy nhiên, chỉ được Nga phê chuẩn 9 năm sau đó, và có hiệu lực vào ngày 1/1/2002.

Các quốc gia thành viên bao gồm Belarus, Bỉ, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Georgia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh (và Mỹ).

23 quốc gia là thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE); Kyrgyzstan cũng là một bên ký kết hiệp ước nhưng vẫn chưa phê chuẩn.

TOS nhằm xây dựng lòng tin giữa Nga và phương Tây bằng cách cho phép hơn 30 nước ký kết Hiệp định thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ của nhau để thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự - quan sát các di chuyển của quân đội và đảm bảo các biện pháp hạn chế vũ khí được thực thi.

Hơn 1.500 chuyến bay đã được thực hiện theo Hiệp ước, nhằm tăng cường tính minh bạch về hoạt động quân sự và giúp giám sát việc kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận khác.

Khi được hỏi về tầm quan trọng của Hiệp ước, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Pháp nói với AeroTime News, "như một sự đảm bảo về tính minh bạch, nó xuất phát từ ý chí chung của các quốc gia thành viên nhằm tạo ra an ninh và niềm tin trên lục địa châu Âu".

Chuyến bay phải được thực hiện bằng “máy bay không vũ trang, cánh cố định” được trang bị “các cảm biến đã thỏa thuận”. Các cảm biến này bao gồm máy ảnh toàn cảnh và khung hình quang học, máy quay video với màn hình thời gian thực, tất cả đều có độ phân giải hạn chế theo quy định của Hiệp ước…

Tổng thống Mỹ Trump đã rút khỏi TOS ngày 22/11/2020, cho rằng các vi phạm của Nga khiến Mỹ không thể tiếp tục là một bên của Hiệp ước và đã hoàn tất việc rút khỏi nó. Liên minh châu Âu đã thúc giục Mỹ xem xét lại và kêu gọi Nga duy trì hiệp ước và dỡ bỏ các hạn chế bay, đặc biệt là khu vực Kaliningrad ở cực tây của họ, nằm giữa các đồng minh NATO là Litva và Ba Lan.

Trước đó, vào năm 2019, Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đã được ký kết vào năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ Reagan và lãnh đạo Liên Xô Gorbachev - cấm tên lửa bố trí trên đất liền và tên lửa đạn đạo có tầm phóng 500-5.500km - vũ khí được coi là đặc biệt gây bất ổn do thời gian chúng tiếp cận mục tiêu ngắn hơn so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Mỹ và Nga vẫn còn tồn tại là hiệp ước New START, được Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Medvedev ký kết vào năm 2010, và gia hạn thêm 5 năm đến 2026.

New START giới hạn mỗi quốc gia có không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và 700 tên lửa và máy bay ném bom đã được triển khai, đồng thời dự kiến thanh sát tại chỗ để xác minh sự tuân thủ.

Nga có thể rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Moscow cảnh báo việc Mỹ rút khỏi TOS sẽ làm xói mòn an ninh toàn cầu bằng cách khiến các chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc giải thích ý định của các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Nga-phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Moscow dựa trên ý thức chung và các bước thực sự để bảo tồn TOS từ phía các thành viên, đặc biệt là các thành viên NATO.

Nga phủ nhận việc vi phạm Hiệp ước, lập luận rằng các giới hạn đối với các chuyến bay qua Kaliningrad, nơi có các lực lượng quân sự lớn, là được phép theo các điều khoản của hiệp ước, lưu ý rằng Mỹ đã áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với các chuyến bay quan sát qua Alaska.

Như một điều kiện để tiếp tục tham gia Hiệp ước sau khi Mỹ rút, Moscow đã không thành công trong việc tìm kiếm sự đảm bảo từ các đồng minh NATO rằng họ sẽ không chuyển dữ liệu thu thập được trong các chuyến bay quan sát lãnh thổ Nga, cho Mỹ.

Ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi TOS. Ngày 22/2, RIA Novosti cho biết, Nga có thể hoàn tất các thủ tục trong nước để rút khỏi TOS trước mùa hè năm nay, nếu Mỹ không thông báo rằng họ sẵn sàng quay trở lại Hiệp ước trước thời điểm đó; Moscow sẽ chính thức thông báo cho Hungary và Canada với tư cách là những nước lưu Hiệp ước về quyết định rút khỏi thỏa thuận của mình, theo Konstantin Gavrilov - trưởng phái đoàn Nga tại các cuộc đàm phán về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí ở Vienna (Áo).

Kể từ thời điểm đó sẽ bắt đầu giai đoạn 6 tháng, được xác định theo thỏa thuận, trước thời điểm Nga chính thức và cuối cùng chấm dứt tham gia, “do thiếu tiến bộ trong việc tháo gỡ những trở ngại cho hoạt động của Hiệp ước trong các điều kiện mới”.

Quốc hội Nga, đã phê chuẩn hiệp ước vào năm 2001, sẽ phải bỏ phiếu để rời khỏi hiệp ước. Những người ủng hộ Hiệp ước hy vọng vào sự thay đổi lập trường từ Tổng thống Biden. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, chính phủ mới của Mỹ đang xem xét khả năng quay trở lại TOS mà nước này rút khỏi vào ngày 22/11/2020.

Sau khi Nga hoàn toàn rút khỏi TOS, loại máy bay Tu-214ON của Nga sẽ được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ quân sự ở vùng Bắc Cực, bao gồm trinh sát, kiểm tra việc bố phòng của quân đội, kết quả thử nghiệm các loại vũ khí khác nhau và đánh giá hiệu quả của các cuộc tập trận và các hạng mục công trình, lập bản đồ, đánh giá tình hình mặt băng trên sông và trên biển -điều rất quan trọng đối với việc thực hiện các dự án Bắc Cực.

Nga vẫn cam kết với mục tiêu cơ bản là xây dựng niềm tin và an ninh trong lĩnh vực quân sự, nếu chính quyền mới của Mỹ quyết định quay trở lại hoàn toàn với TOS, Nga tất nhiên, sẽ sẵn sàng xem xét tình huống này một cách xây dựng. Tuy vậy, Nga "sẽ không chờ đợi vô thời hạn việc Mỹ xác định mức độ sẵn sàng quay trở lại TOS"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại