Hành động này tùy thuộc vào bước đi tiếp theo của Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện bất kỳ hoạt động phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa đó ở các nước thứ ba, Nga có thể sản xuất các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất trong vòng 6 tháng, theo ông Thượng nghị sĩ Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Quốc phòng và An ninh Liên bang Nga.
Thượng nghị sĩ Bondarev nhấn mạnh: "Các thiết bị mà chúng tôi có, tiềm năng khoa học của các viện quân sự, phòng thiết kế và các công ty của chúng tôi có thể tạo nên các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất trong khoảng thời gian ngắn".
Cựu Tư lệnh Không quân Vũ trụ Nga khẳng định Nga hiện có nhiều hệ thống phòng không, đặc biệt là S-300 và S-400, vì vậy đất nước hoàn toàn có thể tự vệ. Những hệ tên lửa sẽ được sản xuất mới để đáp trả lại hành động của Washington.
Thượng nghị sĩ tin rằng vẫn còn cơ hội để đàm phán lại Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF ), các quốc gia khác cũng có thể tham gia hiệp ước mới.
"Tôi ủng hộ việc đàm phán lại Hiệp ước này. Nếu có thể, Hiệp ước phải được đàm phán lại về các điều kiện bình đẳng, bao gồm cả việc tính số lượng tất cả các tên lửa ở các quốc gia có khả năng sản xuất và triển khai chúng, với sự kiểm soát toàn cầu hơn nữa," ông Bondarev nhấn mạnh.
Ngày 2/8/2019, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF sau khi Washington cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước này, trong khi Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng.
Vào ngày 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh quan sát các bước tiếp theo của Mỹ về phát triển, sản xuất và triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, và bắt đầu phát triển toàn diện các tên lửa như vậy, nếu cần. Tổng thống nhấn mạnh rằng các hành động của Moscow sẽ chỉ là phản ứng và Nga sẽ không triển khai tên lửa cho đến khi Mỹ làm điều tương tự.
Ngày 18/8, Mỹ đã thử nghiệm phiên bản tên lửa Tomahawk mới nhất. Đây là vụ thử tên lửa hành trình ở tầm xa đầu tiên của Mỹ (trước đó bị cấm theo Hiệp ước INF. Ngày 12/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành thử nghiệm chuyến bay của một tên lửa đạn đạo phi hạt nhân trên mặt đất tại căn cứ Không quân Vandenberg ở California.
Việc Mỹ chính thức rút khỏi INF kéo theo việc Nga cũng đình chỉ hiệp ước này. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.