Cố vấn Chính phủ Nga về các vấn đề môi trường đã đưa ra tuyên bố này chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị về chống biến đổi khí hậu diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) vào đầu tuần tới.
Nga hiện là nước có lượng phát thải carbon lớn duy nhất chưa thông qua thỏa thuận về hạn chế khí thải CO2 và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, vốn được gần 200 nước ký kết năm 2015.
Moscow có thể miễn cưỡng thông qua thỏa thuận này vì sức ép nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt, đang đóng góp phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Ông Rashid Ismailov, người đứng đầu nhóm chuyên gia Chính phủ Nga về vấn đề môi trường cho biết:
“Trước tiên chúng tôi cần thảo luận về việc dỡ bỏ từng phần các trừng phạt nhằm vào những công ty của Nga. Theo đó, các công ty của Nga phải được tiếp cận chắc chắn nguồn tài chính, cũng như các thể chế tài chính và các nguồn quỹ nước ngoài, để triển khai những cải cách trong vấn đề môi trường”.
Theo Bộ Tài chính Nga, có tới 40% thu nhập của nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc lớn vào tình hình giá dầu. Song các nhà hoạt động môi trường cảnh báo Nga có thể phải trả một cái giá đắt nếu không phê chuẩn thỏa thuận Paris.
Người đứng đầu Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Nga Igor Chestin nói: “Vấn đề là thời điểm Nga phê chuẩn thỏa thuận khí hậu. Vấn đề này đang được Quốc hội và đại diện giới doanh nghiệp Nga thảo luận. Tôi cho rằng sẽ đến lúc Nga phê chuẩn thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, thỏa thuận này có được phê chuẩn hay không thì việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Nga mới là quan trọng nhất”.
Giới chuyên gia cho rằng dù là miễn cưỡng phê chuẩn thỏa thuận Paris hay không, thì Nga phải nhìn nhận thực tế về tình hình thời tiết cực đoan mà nước này đang phải hứng chịu. Các chuyên gia khí tượng Nga thống kê được rằng những hình thái thời tiết cực đoan tại nước này trong 15 đến 20 năm qua đã gia tăng gấp đôi, với những trận bão lớn, gió mạnh và mưa khủng khiếp.
Tại Tuần lễ Khí hậu tổ chức tại thủ đô Mát-xcơ-va tháng trước, các chuyên gia dự báo về các đợt nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và giá rét khắc nghiệt hơn sẽ xảy ra tại những vùng nông nghiệp miền Nam nước Nga. Kéo theo đó là nguy cơ cháy rừng, các vùng đất canh tác bị “đóng băng vĩnh viễn”... vốn chiếm tới 60% lãnh thổ Nga.
Trước thềm Hội nghị chống biến đổi khí hậu diễn ra từ 6-17/11 tới tại thành phố Bonn, Liên Hợp Quốc cảnh báo nồng độ CO2 trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2016, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt hơn để đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận khí hậu Paris.
Nguyên nhân khiến nồng độ CO2 gia tăng là do tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên bất thường, cũng như các hoạt động của con người.
Cũng trong năm ngoái, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD và con số này được dự báo sẽ còn tăng tiếp tục tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán và bão lũ trên thế giới.
Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, 196 nước đã tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định này.
Theo thỏa thuận Paris, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2oC so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19). Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và bão lớn./.