Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Phó Thủ tướng Ukraine Dmytro Kuleba họp báo sau khi thăm một số tàu của NATO tại cảng Odessa ở Ukraine ngày 30/10/2019. Ảnh: Getty
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Igor Konashenkov đã đưa ra nhận định trên ngày 2/6, trước khi NATO tiến hành tập trận từ 28/6 - 10/7.
Sea Breeze là cuộc tập trận của các lực lượng đến từ Ukraine, Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Latvia và các nước đối tác khác.
Mặc dù NATO khẳng định cuộc tập trận này không nhằm vào Nga nhưng Moscow cảnh báo cuộc tập trận trên đã mở rộng ra bên ngoài ranh giới mà nước này cho là khu vực Biển Đen của Ukraine.
"Bộ Quốc phòng Nga sẽ theo dõi sát sao sự chuẩn bị và nội dung cuộc tập trận Sea Breeze giữa Ukraine với Mỹ và một số quốc gia NATO.
Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ phản ứng một cách phù hợp nhằm đảm bảo an ninh quân sự của Nga", ông Konashenkov nhận định trong một thông báo được công bố trên Tass.
NATO có kế hoạch triển khai 4.000 binh lính, 40 tàu chiến, 30 chiến đấu cơ và hơn 100 phương tiện vũ trang khác trong cuộc tập trận Sea Breeze, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Cuộc tập trận trên sẽ được tổ chức trong bối cảnh các nước phương Tây liên tục cáo buộc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới đông nam của nước này.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã leo thang kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và ủng hộ các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. NATO đã dừng hợp tác với Nga nhằm phản ứng trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo quân đội nước này sẽ thành lập 20 đơn bị mới ở khu vực phía tây vào năm nay để đối phó với điều mà nước này gọi là "mối đe dọa ngày càng gia tăng từ NATO".
Ông Shoigu đã dẫn ra việc các máy bay ném bom chiến lược Mỹ gia tăng tần suất hoạt động gần biên giới Nga, cũng như việc NATO triển khai tàu chiến và tăng cường lực lượng trong các cuộc tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết, các đơn vị quân sự ở phía tây nước Nga sẽ được bàn giao khoảng 2.000 thiết bị vũ khí mới trong năm nay.
Phản ứng trước thông tin trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 1/6 nhận định, một trong những mục tiêu chính khiến liên minh này tăng cường khả năng trong khu vực là bởi Nga "sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự chống lại các nước láng giềng như Georgia và Ukraine".
Ukraine sẽ là một trong những nội dung chính được thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thụy Sĩ ngày 16/6.