Đại sứ Nga Anatoly Antonov cũng cảnh báo việc kiểm soát vũ khí đang rơi vào khủng hoảng và cho rằng "một số chính trị gia và tướng lĩnh ở Washington đã bắt đầu nghĩ về việc chiến thắng một cuộc xung đột hạt nhân".
Ông Anatoly Antonov phát biểu vào ngày Tổng thống Vladimir Putin đình chỉ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987, dự kiến hết hạn vào tháng 8 trừ khi có nỗ lực để cứu vãn.
"Tình hình ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí đang rất xấu. Chúng ta đang rơi vào khủng hoảng" - tờ The Guardian dẫn lời ông Antonov phát biểu tại lần xuất hiện công khai hiếm hoi ở Washington hôm 4.3, kể từ khi nhậm chức đại sứ vào tháng 8.2017.
"Hôm nay, tôi sợ rằng một số chính trị gia và tướng lĩnh ở Washington, và có thể ở những nước khác, bắt đầu nghĩ về khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tôi muốn nhân cơ hội này để gửi đi một thông điệp rằng không thể chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân" - ông Antonov nói.
Đại sứ Nga Anatoly Antonov phát biểu về quan hệ Nga-Mỹ ở Washington ngày 4.3. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi INF hồi tháng 10 năm ngoái, với lý do tên lửa Nga vi phạm hiệp ước mà Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987.
Trong phát biểu tại Trung tâm Stimson, Đại sứ Antonov giơ lên tấm bản đồ mà ông nói đã được quân đội Nga chuẩn bị, cho thấy phần lớn Nga và Châu Âu sẽ nằm trong phạm vi tên lửa của nhau, nếu sự sụp đổ của INF dẫn đến việc triển khai các tên lửa mới trên lục địa.
"Đây là một vấn đề rất hóc búa. Chúng ta có thể quay lại tình hình trước năm 1987 trước khi chúng ta ký hiệp ước. Chúng tôi sẽ bị buộc phải triển khai tên lửa của mình và ở đây các vị thấy toàn bộ lãnh thổ các nước Châu Âu sẽ bị bao phủ" - ông Antonov nói.
"Ai là người thua cuộc? Đó là các nước Châu Âu và Nga. Đây là một thách thức mới đối với an ninh của chúng ta mà chúng ta sẽ sớm phải đối mặt".
Đại sứ Antonov đề cập đến cuộc họp tại Vienna hôm 4.3 giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, và người đồng cấp Nga, tướng Valery Gerasimov, như một ví dụ cho thấy đối thoại quân sự vẫn đang diễn ra giữa 2 cường quốc hạt nhân.
Ông Antonov lập luận, nếu Nga và Mỹ - 2 nước sở hữu hơn 90% đầu đạn hạt nhân thế giới - cho phép các hiệp ước kiểm soát vũ khí sụp đổ, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ phổ biến hạt nhân toàn cầu.
Đại sứ nói rằng có khả năng sẽ có một cuộc nổi dậy của các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân trong hội nghị năm tới về Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), có hiệu lực từ năm 1970.
Theo NPT, các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết không phổ biến hạt nhân nếu 5 nước vào thời điểm đó là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, thực hiện các bước quan trọng để giải giáp.
"Tôi không muốn tham gia hội nghị này vì nó sẽ là một thảm họa" - ông Antonov nhấn mạnh.