Tuyến đường nói trên, chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của Nga, đang ngày càng dễ dàng đi qua hơn do băng tan vì nhiệt độ nóng lên. Trong bối cảnh mùa hàng hải diễn ra lâu hơn trong khi mối đe dọa về băng vơi đi, Nga hy vọng hoạt động vận chuyển thương mại quốc tế sẽ diễn ra sôi nổi hơn trên Tuyến đường biển Bắc.
Tuy nhiên, việc tàu thuyền dễ dàng đi qua Tuyến đường biển Bắc cũng có thể gây ra một số vấn đề tiềm tàng cho Moscow. Chiến hạm của các quốc gia khác giờ đây cũng có thể đi qua tuyến đường này, kể cả những tàu không được trang bị thiết bị phá băng.
Trước đó, vào tháng 10, tàu Hải quân Pháp Rhône đã di chuyển qua tuyến đường biển này mà không cần sự hỗ trợ của tàu phá băng Nga.
Do đó, bắt đầu vào năm tới, Nga sẽ yêu cầu chiến hạm của cácquốc gia khác di chuyển dọc tuyến đường biển Bắc phải thông báo trước cho BộQuốc phòng Nga – theo Tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga.
Cũng theo ông Mizintsev, việc bổ sung luật hàng hải sẽ hoàn thành trước khi mùa hàng hải Bắc Cực 2019 bắt đầu. Tàu thuyền di chuyển dọc Tuyến đường biển Bắc đều phải đi qua vùng lãnh hải của Nga và đây là lý do Nga có quyền thiết lập luật lệ.
Về cơ bản, luật biển quốc tế cho phép chiến hạm di chuyển vào vùng lãnh hải của các quốc gia khác nếu chúng thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Ba tàu Hải quân cùng 27 thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải. Ảnh: Reuters
Ở một diễn biến khác, Ukraine kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) với cáo buộc nổ súng và bắt giữ 3 tàu chiến của họ ở eo biển Kerch - khu vực chia tách biển Azov với biển Đen. Vụ việc xảy ra vào hôm 25-11 này khiến nhiều thủy thủ Ukraine bị thương. Tổng cộng, 27 thủy thủ Ukraine bị Moscow bắt giữ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải.
Trong một tuyên bố hôm 30-11, ECHR cho biết Ukraine đã yêu cầu họ can thiệp để đảm bảo an toàn cho các thủy thủ nói trên. ECHR cũng tiết lộ họ đã yêu cầu chính phủ Nga cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của các thủy thủ bị bắt giữ.