Những thay đổi được đề xuất bao gồm các hình phạt cứng rắn hơn đối với hành vi cướp bóc/vắng mặt không có lý do trong thời chiến, hoặc phạm bất kỳ tội ác nào trong thời kỳ tổng động viên.
Ví dụ, quân nhân vắng mặt không xin phép có thể bị kỷ luật trong một năm. Nhưng hành vi tương tự, nếu diễn ra "trong thời kỳ tổng động viên, thiết quân luật, trong thời chiến hoặc trong điều kiện xung đột vũ trang" có thể sẽ khiến các quân nhân bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.
Dự luật đề xuất khoan hồng đối với những binh sĩ bỏ trốn, những người phạm tội lần đầu tiên hoặc bị cưỡng ép. Điều tương tự cũng áp dụng đối với những binh sĩ tự ý đầu hàng kẻ thù, miễn là sau đó họ tái gia nhập lực lượng Nga. Nếu không tái gia nhập, họ có thể phải lĩnh án tù lên đến 10 năm, theo dự luật.
Dự luật cũng hình sự hóa việc các công ty thuộc thẩm quyền quản lý của nhà nước liên tục từ chối chấp nhận và thực hiện các hợp đồng quốc phòng bắt buộc. Trong một số trường hợp nhất định, các nhà sản xuất ở Nga không được phép từ chối các đơn đặt hàng mà chính phủ cho là cần thiết cho an ninh quốc gia.
Sau khi được Duma Quốc gia Nga thông qua hôm 20/9, dự luật dự kiến sẽ được Hội đồng Liên bang Nga thông qua sớm nhất vào ngày 21/9, theo Thượng nghị sĩ Andrey Klishas, người đứng đầu Ủy ban Hội đồng về Lập pháp và Xây dựng Nhà nước.
Nghị sĩ Andrey Kartapolov – Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng (thuộc Duma Quốc gia Nga) cho biết việc sửa đổi Bộ luật Hình sự không có nghĩa là Mátxcơva sắp tuyên bố chiến tranh.
Từ trước đến nay, Nga vẫn gọi xung đột ở Ukraine là chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Kartapolov là "đồng tác giả" của các điều khoản sửa đổi mà Duma Quốc gia Nga thông qua hôm 20/9.
Nghị sĩ này lập luận rằng việc sửa đổi một bộ luật không giống với tổng động viên, và không liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông cũng xác nhận dân quân của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass sẽ được tích hợp vào quân đội Nga, trong trường hợp Donetsk và Lugansk bỏ phiếu sáp nhập Nga vào đầu tuần tới. Điều này sẽ "thay đổi đáng kể tình hình theo một số cách," ông nói.