Nga áp đảo phòng không Ukraine bằng chiến thuật mồi nhử và tập kích “bầy đàn” UAV

Hồng Anh |

Nga đã thay đổi chiến thuật sử dụng máy bay không người lái để đối phó với các biện pháp phòng không linh hoạt của Ukraine.

Thay vì chỉ triển khai một vài máy bay không người lái cảm tử như UAV Lancet nội địa hay UAV Shaed-136 do Iran sản xuất cho các cuộc tấn công, Nga đang triển khai UAV theo kiểu bầy đàn và lập trình tuyến đường bay hết sức thận trọng để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.

Nga áp đảo phòng không Ukraine bằng chiến thuật mồi nhử và tập kích “bầy đàn” UAV - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Lancet. Ảnh: Sputnik

Ông Justin Bronk - nhà phân tích chiến tranh trên không thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng, hiệu quả đánh chặn UAV của Ukraine đang gia tăng và điều này khiến Nga phải tìm cách hạn chế đáng kể thiệt hại đối với máy bay không người lái của họ cho đến khi họ dự trữ đủ số lượng lớn”.

Theo chuyên gia này, Nga đã giảm tần suất các cuộc tấn công bằng UAV, nhưng mỗi đợt tấn công, họ có thể tung ra 30 đến 40 chiếc. Điều này đánh dấu một bước ngoặt khác trong cuộc chiến máy bay không người lái giữa Nga và Ukraine.

Ở giai đoạn đầu cuộc xung đột, Ukraine đã sử dụng UAV trang bị tên lửa chống tăng, thậm chí bom tự chế để nhắm vào các đoàn xe bọc thép của đối phương.

Đến cuối mùa Hè năm 2022, khi nhận thấy năng lực phòng không của Ukraine gia tăng, Moscow bắt đầu tiến hành các làn sóng tấn công bằng UAV Shahed giá rẻ nhằm áp đảo hệ thống phòng không đối phương.

Chuyên gia Bronk cho rằng: “Chiến thuật của Nga tung ra các đòn tấn công liên tiếp bằng UAV cảm tử trong nhiều tháng ròng đã làm cạn kiệt kho dự trữ tên lửa phòng không và đạn pháo của đối phương”.

Để ứng phó, Ukraine đã thành lập các đơn vị phòng không cơ động được trang bị nhiều loại vũ khí tầm ngắn và cơ động, chẳng hạn như pháo tự hành phòng không tự hành ZSU-23-4 "Shilka" có từ thời Liên Xô, pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất, tên lửa vác vai Stinger của Mỹ, thậm chí là cả súng máy hạng nặng DShK kết hợp với đèn chiếu sáng.

Biện pháp trên đã giúp Kiev gặt hái được một số thành công nhất định. “Các thành viên trong những đơn vị này đã được huấn luyện rất bài bản để có thể sử dụng thành thạo các loại vũ khí trên, đồng thời kết hợp chúng với nhau.

Khi bạn đã học được cách vận hành vũ khí hiệu quả thì ngay cả những loại đạn pháo không có dẫn đường bằng radar cũng có thể hoạt động tốt”, ông Bronk nhấn mạnh

Bên cạnh đó, Ukraine cũng sử dụng một ứng dụng đặc biệt, nhằm huy động dân thường tham gia cuộc chiến chống máy bay không người lái. “Họ sử dụng một số ứng dụng thông minh, để thu thập thông tin về UAV, tên lửa và máy bay từ những người dân địa phương, sau đó tổng hợp và đưa vào trung tâm dữ liệu”.

Hồi đầu xung đột, Ukraine đã sử dụng một ứng dụng của chính phủ để nắm bắt thông tin về sự di chuyển của các lực lượng Nga trên thực địa. Hệ thống này tương tự như hệ thống từng được sử dụng vào Thế chiến 2.

Trong Thế chiến 2, các tình nguyện viên dân sự của Anh đã thông tin cho mạng lưới phòng không của quân đội nước này ngay khi nhìn thấy máy bay ném bom của đối phương.

Khi máy bay ném bom đối phương bay qua vùng ven biển và vào các khu vực nội địa nơi phạm vi phủ sóng của radar hạn chế, trung tâm chỉ huy trên mặt đất có thể sử dụng thông tin trên để theo dõi các cuộc tấn công, đồng thời gửi tín hiệu yêu cầu Không quân hoàng gia Anh triển khai máy bay chiến đấu đánh chặn chúng.

Chuyên gia Bronk lưu ý, do Ukraine có diện tích khá lớn, nên máy bay không người lái của Nga phải bay một quãng đường dài để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ nước này.

Những UAV chẳng hạn như UAV Shahed có tầm hoạt động lên đến 2.500km nhưng chỉ có tốc độ tối đa khoảng 185km/giờ.

“Chúng bay khá chậm. Nếu Ukraine có thể nắm bắt được một bức tranh toàn cảnh về nơi chúng sẽ đến thì họ sẽ có thời gian để bố trí các đội đánh chặn di động tại những tuyến đường UAV sẽ bay qua và bắn hạ chúng”, ông Bronk lưu ý.

Cách Nga ứng phó với biện pháp phòng không của Ukraine

Thế nhưng, Nga đã tìm cách thay đổi chiến thuật. Theo chuyên gia Bronk, Moscow bắt đầu điều một số máy bay người lái làm mồi nhử trước làn sóng tấn công lớn để thu hút sự chú ý của đối phương và nhận biết các vị trí phòng không mà Ukraine thiết lập.

“Nếu họ tìm ra được vị trí của hệ thống phòng không của đối phương trong một khu vực cụ thể, họ sẽ thay đổi hướng tấn công để tránh bị đánh chặn.

Đây là một ví dụ cho thấy Nga đang dần thích nghi và tìm được biện pháp ứng phó phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu, nhưng cũng chứng tỏ biện pháp phòng thủ của Ukraine đang phát huy hiểu quả”.

Nga áp đảo phòng không Ukraine bằng chiến thuật mồi nhử và tập kích “bầy đàn” UAV - Ảnh 4.

UAV tự sát của Nga chuẩn bị lao xuống mục tiêu ở thủ đô Kiev, Ukraine ngày 17/10. Ảnh: AFP.

Nga đã tung một loạt máy bay không người lái với kích cỡ và tầm hoạt động khác nhau trong cuộc xung đột tại Ukraine, từ những UAV cỡ nhỏ như Lancet đến UAV lớn hơn như Orlan-10, bay ở độ cao từ 1.500 đến 4.800 m, có khả năng thu nhập dữ liệu để điều chỉnh hỏa lực của pháo binh Nga.

“Orlan-10 là vấn đề lớn nhất vì nó có thể bay ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không hoặc pháo phòng không di động. Về cơ bản, để bắn hạ chúng, Ukraine phải sử dụng các hệ thống tên lửa đất đối không dẫn đường bằng radar như Osa hay Buk.

Orlan-10 là một trong những UAV khiến Ukraine tiêu tốn rất nhiều đạn dược”, ông Bronk nhận định.

Tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây cho rằng, Ukraine đang cạn kiệt đạn dược cho vũ khí phòng không, đặc biệt là tên lửa đất đối không để chống lại máy bay của Nga.

Trong bối cảnh các nước phương Tây đang gặp khó khăn khi cung cấp thêm đạn dược và vũ khí cho Ukraine, Kiev được cho là sẽ phải sử dụng các nguồn lực phòng không một cách thận trọng và hạn chế hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại