Ngày này 75 năm trước, "Trinity", vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên trên thế giới, đã được Mỹ thực hiện tại khu vực Alamogordo, bang New Mexico. Đây được xem là ngày bắt đầu cho kỷ nguyên nguyên tử hạt nhân, tạo ra thứ vũ khí khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.
Phải đến ngày nay, nhiều bí ẩn đằng sau dự án tuyệt mật này mới được hé lộ. Tờ New York Times sáng nay đã có một bài viết cho thấy góc nhìn những chuyên gia, nhà khoa học đã trực tiếp tham gia dự án này - những người tự gọi mình là "thần chết".
"Tôi đã trở thành thần chết, kẻ hủy diệt thế giới"
Lúc đó là 1 giờ sáng ngày 16/7/1945, khi J. Robert Oppenheimer gặp trung tướng Leslie Groves giữa không gian hoang tàn, khô cằn của sa mạc Jornada del Muerto - một vùng đất hẻo lánh ở bang New Mexico.
Một nhóm kỹ sư và nhà vật lý đang chuẩn bị kích nổ một thiết bị nguyên tử chứa 13 pound plutonium, loại vũ khí hạt nhân chính phủ hy vọng sẽ giúp Mỹ chấm dứt Thế chiến thứ hai. Một vài nhà khoa học trong dự án lo lắng rằng quả bom mà họ sắp kích nổ sẽ hủy diệt toàn bộ thế giới. Những người khác thì lo sau cả dự án thử nghiệm dài, quả bom sẽ không phát nổ.
Nhà vật lý Robert Opprnheimer, người chịu tránh nhiệm thiết kế quả bom cho dự án, đã thức trắng đêm.
5:29 sáng, giờ địa phương, quả bom chính thức phát nổ với sức mạnh tương đương 21.000 tấn thuốc nổ TNT và phát ra thứ ánh sáng có thể nhìn thấy từ sao Hỏa.
Đó là vụ thử hạt nhân đầu tiên trong lịch sử!
Sức công phá khủng khiếp của vụ nổ bom nguyên tử nhìn từ trên cao
Chưa đầy một tháng sau, ngày 6/8/1945, Mỹ thả một quả bom gần như giống hệt xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Vụ nổ khiến 80.000 người tử vong tại chỗ và san phẳng nơi đây.
Sau đó 3 ngày, Mỹ tiếp tục thả một quả bom khác xuống thành phố Nagasaki, khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng ngay lập tức và hàng chục nghìn người khác tử vong vì nhiễm độc phóng xạ.
Nhật Bản chính thức đầu hàng quân Đồng Minh, chấm dứt Thế chiến thứ hai.
Kể từ vụ thử nghiệm Trinity 75 năm trước, ít nhất tám quốc gia đã tiến hành hơn 2.000 vụ thử bom hạt nhân. Jenifer Mackby, một thành viên cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Hoa Kỳ cho biết, hơn một nửa trong số các cuộc thử nghiệm này được Mỹ tiến hành. Mỹ và một số quốc gia khác cũng liên tục từ chối phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân.
"Trinity đã mở màn cho thời đại của hạt nhân" bà Mackby nói, "Nó đã mở ra một kỷ nguyên hủy diệt mới." Theo các nhà sử học, nhiều nhà khoa học khi chứng kiến vụ nổ đã nhanh chóng nhận ra thứ sức mạnh kinh hoàng và tội lội họ vừa giải phóng.
Theo lời Oppenheimer, một dòng kinh thánh Hindu đã chạy qua tâm trí ông khi chứng kiến vụ nổ: "Giờ tôi đã trở thành thần chết, kẻ hủy diệt thế giới".
Kenneth T. Bainbridge, giám đốc cuộc thử nghiệm, thì thực tế và ít "thi vị" hơn. "Giờ tất cả chúng tôi đều là những 'tên khốn'" - ông nói.
Họ đã nghe thấy, họ đã nhìn thấy
"Mục đích của thử nghiệm là để xem quân đội có thể khai thác plutonium thành vũ khí phá hủy cả một thành phố hay không" - nhà nghiên cứu lịch sử vũ khí hạt nhân Alex Wellerstein cho biết.
Thời điểm đó, hầu hết các nhà khoa học trong dự án còn chẳng hiểu rõ về những "hậu quả chết chóc" chất phóng xạ gây ra và thế là những biện pháp để bảo vệ an toàn của người dân đã hoàn toàn bị phớt lờ.
Một nhà khoa học đang mang bầu 7 tháng cùng với chồng bà, một nhà khoa học khác trong dự án, đã được gửi tới sống tại một nhà nghỉ gần đó. Hai người cầm theo một bộ đếm Geiger - thiết bị phát hiện khí thải phóng xạ. Nếu khí thải vượt quá mức dự định, bà sẽ cảnh báo đến cơ quan chức năng để sơ tán cả người dân xung quanh, giáo sư Wellerstein kể lại.
Các quan chức năng cũng không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cho người dân. Người dân trong khu vực vẫn tiếp tục chăn nuôi gia súc, uống nước từ bể chứa nước đã bị ô nhiễm bởi sau vụ thử bom.
Và nếu có ai đó hỏi về vụ nổ, chính quyền sẽ nói rằng đó là một vụ nổ kho đạn gần sân bay Alamogordo.
Chính quyền sẽ nói đó là một vụ nổ kho đạn
"Họ nói rằng họ đã nỗ lực để bảo vệ dân chúng, nhưng nếu chúng ta hỏi những nỗ lực ấy có đủ không? Không, không hề. Không thể nói là đủ khi cho nổ một quả bom nguyên tử, không nói với bất kỳ ai và để một người phụ nữ đang mang bầu trong nhà nghỉ cùng với chiếc máy đo phóng xạ.", giáo sư Wellerstein nói.
Vụ nổ đã làm những khu dân cư trong bán kính 50 dặm vô cùng hoang mang.
"Nó thậm chí tạo ra nhiều ánh sáng và nhiệt hơn mặt trời", Tina Cordova, người sáng lập Hiệp hội Người nhiễm phóng xạ lưu vực Tularosa cho biết, bà cũng là người liên tục yêu cầu chính phủ tiến hành nghiên cứu về hậu quả của vụ nổ và bù đắp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Dựa trên dữ liệu điều tra dân số vào thời điểm đó, hiệp hội ước tính có hàng chục ngàn người sống trong bán kính 50 dặm của vụ nổi. "Tro bụi bay trong không khí tới vài ngày và khắp mọi nơi đều mù mịt" - Cordova nhớ lại.
Phớt lờ những lời cảnh báo
Một ngày sau cuộc thử nghiệm, Leo Szilard, một nhà vật lý người Hungary làm việc cho Dự án Manhattan, đã gửi một bản kiến nghị có chữ ký của 70 nhà khoa học tới Tổng thống Harry S. Truman, kêu gọi Tổng thống cho Nhật Bản cơ hội đầu hàng trước khi thả bom.
"Một quốc gia đặt tiền đề cho việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên với mục đích hủy diệt có thể sẽ phải chịu trách nhiệm cho kỷ nguyên tàn phá với quy mô không thể tưởng tượng được" - bản kiến nghị cảnh báo.
Đó cũng không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm ngăn chặn việc dùng bom hạt nhân để kết thúc chiến tranh.
Một tháng trước cuộc thử nghiệm, một ủy ban, bao gồm tiến sĩ Szilard và đứng đầu là nhà khoa học người Đức James Franck, đã đưa ra "Báo cáo Franck", kêu gọi Mỹ công bố vũ khí này với Liên Hợp Quốc trước khi đưa vào thử nghiệm.
"Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã không đọc kiến nghị của Tiến sĩ Szilard, và rất có thể ông cũng không đọc Báo cáo Franck", Steve Olson, tác giả cuốn sách về sự phát triển của plutonium tại khu bảo tồn hạt nhân Hanford cho biết.
"Thật khó để tưởng tượng được điều gì có thể ngăn chặn được việc thả mấy quả bom đó, Truman chỉ muốn kết thúc cuộc chiến càng nhanh càng tốt."
Mỹ muốn có sự đầu hàng vô điều kiện từ Nhật Bản và "các nhà lãnh đạo nghĩ rằng cách duy nhất để đạt được điều đó là tạo ra một cú shock tâm lý"
Các nhà khoa học và công nhân chế tạo quả bom đang nâng nó lên một tòa tháp cao 100 feet.
Ai cũng có một người quen chết vì ung thư
Hai quả bom nguyên từ thả xuống Nagasaki và Hiroshima đã giết chết 200.000 người, nhiều nạn nhân khác cũng chết vì nhiễm độc phóng xạ trong vài tuần sau vụ nổ.
Giáo sư Wellerstein cho biết, các thành viên của dự án chỉ lo lắng về những ảnh hưởng của phóng xạ đến sức khỏe của họ, chẳng ai mảy may quan tâm tới những thương vong kinh hoàng mà họ đã gây ra cho Nhật Bản.
Họ đã mong "hiệu ứng từ vụ nổ và hỏa lực của quả bom sẽ đánh lạc hướng và che đậy những thương vong do phóng xạ."
Thế nhưng, vụ thảm sát bằng bom nguyên tử đã như bóng ma ám ảnh cuộc đời nhà vật lý Oppenheimer. "Thưa ngài Tổng thống, tôi cảm thấy mình có máu trên tay" đó là lời ông nói với tổng thống Truman vào cuối năm đó.
J. Robert Oppenheimer - "Cha đẻ" của vũ khí hạt nhân Mỹ
Ảnh hưởng thực sự của cuộc thử nghiệm Trinity với những người dân khu vực vẫn chưa rõ ràng. Chính phủ chưa bao giờ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về tác động của bức xạ, ngay cả sau khi những nghiên cứu cho thấy sự tăng đột biến của những vụ trẻ sơ sinh tử vong vài tháng sau cuộc thử nghiệm.
"Những người chịu ảnh hưởng từ vụ nổ phóng xạ này đã không được đối xử công bằng." - Cô Cordova, người lớn lên ở Tularosa cho biết. "Bệnh ung thư đã lan tràn ở các thị trấn gần khu thử nghiệm Trinity, ở đây ai cũng có thể kể tên một người mình quen đã chết vì ung thư".
"Chúng tôi biết rằng về cơ bản chính phủ đã bỏ rơi chúng tôi và không chịu trách nhiệm gì hết", cô Cordova, người đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư tuyến giáp cho biết, "Người thân của tôi cũng đã chết vì nhiều dạng ung thư".
Các thành viên Nghị viên bang New Mexico đã mở rộng đạo luật bồi thường cho người có tiếp xúc với bức xạ, bao gồm những người khai thác Uranium và những người chịu ảnh hưởng từ các vụ thử nghiệm hạt nhân, bao gồm cả những cư dân sống quanh Trinity.
Vào năm 2014, Viện Ung thư Quốc gia đã bắt đầu khảo sát những người sống ở các thị trấn gần khu vực thử nghiệm để ghi lại các tác động của vụ nổ. Viện cho biết họ dự đoán sẽ công bố kết quả trong vòng vài tháng tới.
Bài viết tham khảo nguồn từ The New York Times