Trong cuộc gặp gỡ các quân nhân ở Bắc Dakota, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington và các đồng minh trong NATO đang nghiên cứu cách kiềm chế Nga trước ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột tiềm ẩn với NATO. Ông khẳng định rằng NATO không mong muốn xung đột mà cố gắng ngăn ngừa.
Theo lời Bộ trưởng Carter, tại thời điểm này kịch bản đa dạng về mối đe dọa hạt nhân đang hiện hữu, buộc Mỹ phải mở rộng kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.
Nhà khoa học chính trị Dmitry Zhuravlev - Tổng Giám đốc Viện Các vấn đề khu vực cho rằng mục đích của những tuyên bố như vậy là nhằm bảo lưu ngân sách quân sự của Mỹ như trước.
"Trước hết, những tuyên bố như vậy nhằm biện minh cho chi tiêu quân sự khổng lồ của Mỹ, vì rằng nước này đang diễn ra quá trình bầu cử, trong khi người dân Mỹ không mấy hài lòng vì phải tốn phí rất nhiều tiền bạc cho quốc phòng.
Để người dân chấp nhận khoản kinh phí như vậy, cần 'hù dọa' họ bằng nỗi sợ hãi khủng khiếp. Cách làm như thế đã nhiều lần thành công - nhiều thế hệ người Mỹ đã sống trong cơn hoảng loạn vì "cuộc tấn công nguyên tử của Nga".
"Nếu việc lợi dụng cơn thần kinh sợ chiến tranh sẽ nhận được lợi thế nào đó thì đương nhiên là họ sẽ lợi dụng" - chuyên viên Dmitry Zhuravlev nhận xét trên đài phát thanh Sputnik. Theo quan điểm của ông, bản thân kế hoạch "kiềm chế Nga" của Mỹ đang chứa đựng mối đe dọa.
"Ông Carter tự nói ra rằng điều kinh khủng nhất không phải là bên nào sẽ bắt đầu cuộc chiến tranh. Mối nguy đáng sợ nhất là ở chỗ tôn thờ vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến sử dụng nó ngẫu nhiên.
Đó là vấn đề của những năm 70 rồi thập niên 80, vì khi đó phát sinh kho dự trữ hạt nhân quy mô lớn. Dù sao vẫn khó tin vào cuộc chiến tranh hạt nhân lớn, nếu nó bùng phát thì cuộc tranh giành tiếp theo sẽ do những con gián tiến hành, bởi nhân loại diệt vong" - nhà phân tích chính trị nhận định.
Đồng thời, ông Dmitry Zhuravlev cũng cho rằng người Mỹ đang tập trung sản xuất vũ khí phi hạt nhân với độ chính xác cao, có khả năng phá hủy kho vũ khí hạt nhân của đối phương.
"Phương án khác là sử dụng vũ khí chính xác phi hạt nhân, phong tỏa việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân của đối phương để bên kia không thể triển khai được loại thiết bị này.
Phương án như vậy đã được xem xét trong khuôn khổ những khái niệm quân sự khác nhau của Mỹ. Nhưng thực tế, tình hình ở Syria đã chỉ ra rằng chúng ta cũng sở hữu công nghệ chế tạo vũ khí trình độ cao. Vì vậy, ở đây người Mỹ không có gì nổi trội" - nhà khoa học chính trị Nga kết luận.