Nếu lựa chọn can thiệp quân sự ở Venezuela, kịch bản "ác mộng" sẽ chờ đón sẵn người Mỹ?

Quốc Vinh |

Nếu như Mỹ có khả năng đánh bại lực lượng quân sự 160.000 người của Venezuela, nước này vẫn có nguy cơ bị sa lầy trong một cuộc chiến tranh du kích kéo dài, mệt mỏi và tốn kém.

Mỹ có một mục tiêu rõ ràng ở Venezuela là thay đổi chính quyền ở quốc gia này bằng việc kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro rời bỏ quyền lực, đồng thời ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido lên làm tổng thống lâm thời.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt, cô lập ngoại giao quốc tế và áp lực nội bộ đã không mang lại một bước đột phá. Tâm trí của Washington đang chuyển sang can thiệp quân sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn.

Theo cây bút Frank O. Mora của trang phân tích Foreign Affar, có hai cách hợp lý mà Mỹ có thể sử dụng vũ lực ở Venezuela: Tiến hành chiến dịch ném bom và thực hiện cuộc xâm lược toàn diện.

Tuy nhiên, nỗ lực này có thể mất nhiều năm khi so với quy mô và sức mạnh quân sự của Venezuela. Quốc gia Mỹ Latinh có dân số 33 triệu người trải rộng trên một lãnh thổ rộng gấp đôi Iraq.

Venezuela có lực lượng quân sự 160.000 người, bên cạnh lực lượng bán quân sự, cùng các lực lượng khác có hơn 100.000 thành viên.

Ngay cả khi một sự can thiệp quân sự có khởi đầu tốt, các lực lượng Mỹ có thể sẽ thấy mình bị sa lầy ở Venezuela trong nhiều năm tới.

Mỹ tiến hành can thiệp quân sự như thế nào?

Giả định trong trường hợp Mỹ lựa chọn giải pháp quân sự ở Venezuela, cây bút Mora cho rằng, để các cuộc tấn công chính xác hoạt động hiệu quả, Mỹ sẽ cần phải phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự, an ninh và kinh tế của chính quyền Tổng thống Maduro.

Mục đích là để loại bỏ khả năng của chính quyền và thuyết phục quân đội từ bỏ Chính phủ.

Các cuộc tấn công chính xác thường được mô tả như một sự thay thế nhanh chóng, rẻ tiền, an toàn và hiệu quả cho một sự can thiệp quân sự quy mô lớn.

Tuy nhiên, hai cuộc tấn công chính xác của Mỹ ở Libya vào năm 2011 và ở Nam Tư vào năm 1999 đã cho thấy sự thiếu ổn định và khả năng hạn chế của nước này trong việc định hình kết quả chính trị.

Tại Libya - nơi các cuộc tấn công kéo dài 7 tháng - sự can thiệp đã đạt được mục tiêu hạn hẹp là gây ra sự sụp đổ của chính quyền Muammar al-Qaddafi, nhưng đã khiến đất nước Bắc Phi rơi vào hỗn loạn.

Chiến dịch ném bom kéo dài ba tháng ở Nam Tư đã thành công hơn khi làm suy yếu quân đội Nam Tư và dẫn đến việc thiết lập khuôn khổ chính trị do Liên Hợp Quốc giám sát, mặc dù đó là mục tiêu hạn chế hơn so với thay đổi chính quyền.

Một sự can thiệp quân sự chính xác ở Venezuela sẽ yêu cầu các hoạt động trên không, trên biển và trong không gian mạng. Hải quân Mỹ sẽ cần cắm chốt một tàu sân bay ngoài khơi Venezuela để thực thi khu vực cấm bay và tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Hải quân cũng cần triển khai một nhóm tàu ​​chiến, có thể thêm cả tàu ngầm phóng tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu quân sự, như căn cứ không quân, cơ sở phòng không, và các trung tâm chỉ huy và kiểm soát.

Mỹ cũng cần triển khai các vũ khí khác, như máy bay tấn công chiến thuật (có độ chính xác cao hơn) và máy bay không người lái, được triển khai từ tàu sân bay hoặc từ quốc gia đối tác, để giúp phá hủy cơ sở hạ tầng.

Cuối cùng, các lực lượng của Mỹ có thể sẽ sử dụng các vũ khí mạng để thao túng, làm suy yếu và phá hủy hệ thống phòng thủ của Venezuela.

Theo cây bút Mora, Mỹ gần như chắc chắn sẽ bị cuốn vào một chiến dịch dài và khó khăn để ổn định Venezuela sau khi cuộc chiến ban đầu kết thúc.

Trong kịch bản tốt nhất, quân đội Venezuela sẽ bị khuất phục trong đợt Tomahawk đầu tiên, quyết định hỗ trợ một Chính phủ mới để tránh leo thang.

Trong trường hợp xấu nhất, một chiến dịch tấn công chính xác sẽ kéo dài trong nhiều tháng, giết chết hàng ngàn thường dân, phá hủy phần lớn những gì còn lại của nền kinh tế Venezuela và quét sạch lực lượng an ninh nhà nước.

Nếu lựa chọn can thiệp quân sự ở Venezuela, kịch bản ác mộng sẽ chờ đón sẵn người Mỹ? - Ảnh 2.

Sự can thiệp của Mỹ có thể sẽ khiến Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn giống như nhiều quốc gia khác.

Kết quả sẽ là việc Venezuela rơi vào tình trạng vô Chính phủ. Dân quân và các nhóm tội phạm có vũ trang khác sẽ đi lang thang trên đường phố của các thành phố lớn mà không bị kiểm soát. Hơn tám triệu người Venezuela có thể sẽ phải bỏ trốn khỏi đất nước.

Mỹ với các đối tác quốc tế sau đó sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi quân đội để vô hiệu hóa các nhóm vũ trang nổi loạn của Venezuela và lập lại trật tự trong khi một bộ máy chính phủ và an ninh mới được thành lập. Việc chiếm giữ như vậy sẽ kéo dài bao lâu rất khó để nói và sẽ khiến Mỹ mất nhiều hơn là được.

Cái giá phải trả đối với Mỹ

Thay vì phát động các cuộc tấn công chính xác và bị hút vào một cuộc chiến trên mặt đất sau đó, Mỹ có thể chọn tiến hành tấn công toàn diện ngay từ đầu.

Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải thực hiện một sự can thiệp lớn, bao gồm cả các cuộc không kích và triển khai ít nhất 150.000 lính mặt đất để phá hủy sân bay, cảng, mỏ dầu, nhà máy điện, trung tâm chỉ huy và kiểm soát, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc và các cơ sở Chính phủ quan trọng khác.

Quân đội xâm lược sẽ phải đối mặt với 160.000 quân của Venezuela và 100.000 lực lượng bán quân sự.

Các cuộc can thiệp quân sự quy mô lớn gần đây nhất do Mỹ lãnh đạo ở Afghanistan năm 2001 và ở Iraq năm 2003 đều khiến nước này phải mắc kẹt trong nhiều năm.

Tính đến năm 2017, hai cuộc can thiệp quân sự nói trên đã phải huy động hơn hai triệu nhân viên quân sự Mỹ và tiêu tốn hơn 1,8 nghìn tỷ USD. Hơn 7.000 người đã chết ở Afghanistan và Iraq.

Chi phí can thiệp ở Venezuela mặc dù sẽ khác so với ở Afghanistan, Iraq và có thể sẽ không đến gần những con số đó, nhưng chúng vẫn rất đáng kể.

Quốc gia Mỹ Latinh cuối cùng mà Mỹ xâm chiếm là Panama vào năm 1989. Hơn 27.000 nhân viên quân sự Mỹ và hơn 300 máy bay đã nhanh chóng áp đảo Lực lượng Phòng vệ Panama chỉ có dưới 20.000 người.

Mặc dù cuộc xâm lược chỉ kéo dài khoảng 42 ngày, các hoạt động quân sự của Mỹ ở Panama vẫn tiếp tục trong 4 năm rưỡi nữa. Một cuộc xâm lược ở Venezuela nếu xảy ra sẽ mất nhiều quân hơn và kéo dài lâu hơn.

Trong trường hợp tốt nhất, quân đội Venezuela không thể chiến đấu, Mỹ sẽ rút hầu hết quân đội, ngoại trừ một số lượng hạn chế sẽ ở lại để hỗ trợ lực lượng an ninh Venezuela làm việc để khôi phục trật tự.

Tuy nhiên, mọi thứ có thể sẽ không dễ dàng như vậy. Trong trường hợp xấu nhất, các lực lượng Mỹ sẽ nhanh chóng đánh bại quân đội Venezuela nhưng sau đó bị sa lầy trong chiến tranh du kích với các cựu thành viên của quân đội Venezuela, các nhóm bán quân sự, quân nổi dậy và một số thành viên dân quân được hỗ trợ bởi các quốc gia khác.

Trong những điều kiện đó, quân đội Mỹ sẽ phải ở lại Venezuela trong nhiều năm cho đến khi có một Chính phủ mới có thể duy trì trật tự.

Không có hành động quân sự nào mà không gặp rủi ro. Nhưng trong trường hợp này, chi phí về mặt xã hội , kinh tế và an ninh của việc can thiệp đã vượt xa lợi ích.

Cho dù Mỹ tiến hành các cuộc không kích hạn chế hay lựa chọn một cuộc xâm lược toàn diện, gần như chắc chắn nước này sẽ bị cuốn vào một chiến dịch kéo dài và khó khăn để ổn định Venezuela sau khi cuộc chiến ban đầu kết thúc.

Một lựa chọn như vậy sẽ tiêu tốn mạng sống và tiền bạc của người Mỹ và làm tổn thương vị thế của nước này ở Mỹ Latinh.

Một sự chiếm đóng kéo dài sẽ làm nên làn sóng chống Mỹ trong khu vực và nó cũng sẽ làm hỏng quan hệ của Mỹ với các nước bên ngoài khu vực.

Cuối cùng, một nước Mỹ sa lầy, mệt mỏi trong chiến tranh ở Venezuela dường như sẽ không thể tham gia vào một chiến dịch quân sự cần thiết nào khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại