Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, nhưng đây cũng là thời kỳ nở rộ của nhiều anh hùng, hào kiệt. Ngoài các mưu sĩ tài ba, có không ít mãnh tướng, danh tướng hàng đầu xuất hiện. Nhiều người trong số họ đi theo phò tá ba tập đoàn chính trị mạnh nhất lúc bấy giờ là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô, tương ứng với các vị quân chủ là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.
Trong số các võ tướng vào cuối thời Đông Hán và Tam Quốc, có một người khiến cả Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô phải kiềng nể. Người này chính là Quan Vũ. Ông là một vị tướng nổi tiếng và đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
Theo ghi chép trong lịch sử, Quan Vũ được đánh giá là vị tướng có tài, võ nghệ dũng mãnh. Ông được người đương thời nhận xét là võ tướng có sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ. Mặc dù có nhược điểm kiêu ngạo, nhưng Quan Vũ nổi tiếng can đảm, hào hiệp trượng nghĩa, đồng thời kiên cường và có lòng trung thành tuyệt đối. Ngay cả Tào Tháo, một trong những chính trị quyền lực và hàng đầu Tam Quốc, cũng khâm phục và khao khát muốn chiêu mộ.
Đầu năm 200, Tào Tháo gấp rút tiến đánh Từ Châu, Lưu Bị ít quân nên thua chạy tan tác. Sau khi thua trận, Lưu Bị bỏ chạy sang Hà Bắc để nương nhờ Viên Thiệu, Trương Phi trốn về Nhữ Nam, gia quyến của Lưu Bị đều bị bắt. Còn Quan Vũ do không có đường chạy nên buộc phải đầu hàng Tào Tháo và theo về Hứa Xương.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ đưa ra "ước pháp tam chương" (giao hẹn 3 điều) thì mới chịu hàng Tào Tháo. Trong đó có điều kiện là một khi biết được tin tức của Lưu Bị thì Quan Vũ sẽ lập tức rời đi. Vì quý tiếc và ái mộ nhân tài nên Tào Tháo đành chấp nhận ba điều này.
Cũng trong năm 200, khi tạm đầu hàng Tào Tháo, Quan Vũ đã lập công lớn để báo đáp vị quân chủ này.
Cụ thể, khi Viên Thiệu mang quân đi đánh thành Bạch Mã, Tào Tháo đã đem theo Quan Vũ và Trương Liêu cùng đại quân tới cứu thành. Khi đó, Quan Vũ ra trận và đột kích giết chết Nhan Lương, một danh tướng dưới trướng của Viên Thiệu, thành công giải vây cho thành Bạch Mã. Theo Tam Quốc chí, Quan Vũ trông thấy Nhan Lương ở dưới lọng chỉ huy nên liền cưỡi ngựa xông tới đâm chết mãnh tướng này giữa vạn quân và chém lấy thủ cấp rồi quay về.
Tào Tháo xét công trạng và phong cho Quan Vũ làm Hán Thọ đình hầu, ban thưởng rất nhiều.
Chiến tích này của Quan Vũ được đánh giá rất cao, bởi lẽ trước đó Nhan Lương đã liên tiếp tiêu diệt nhiều tướng của Tào Tháo như Ngụy Tục, Tống Hiến. Nhan Lương dũng mãnh tới nỗi đánh cho Từ Hoảng phải thua chạy và khiến các tướng của Tào Tháo ai cũng ghê sợ. Việc Quan Vũ có thể chém chết Nhan Lương một cách nhanh chóng khiến đại quân của Tào Tháo và Viên Thiệu khi đó đều vô cùng kinh ngạc.
Câu hỏi đặt ra rằng, nếu Tào Tháo không nhờ Quan Vũ ra tay, ở dưới trướng của ông còn vị tướng nào có thể đánh bại Nhan Lương?
Hóa ra ở dưới trướng của vị quân chủ này vẫn còn một người có thể đánh bại Nhan Lương.
Mãnh tướng bí ẩn của Tào Tháo có thể đánh bại Nhan Lương là ai?
Người này chính là Hạ Hầu Đôn (? – 220), công thần khai quốc của nhà Tào Ngụy. Ông là một trong những vị tướng trung thành nhất với Tào Tháo. Hạ Hầu Đôn là người Tiêu Quận, nước Bái (nay là Bạc Châu, An Huy, Trung Quốc). Ông là đồng hương và cũng là bạn chí cốt của Tào Tháo.
Lúc sinh thời, Hạ Hầu Đôn được coi là hữu tướng quân của Tào Tháo. Ông còn được phép đi chung xe ngựa, ngồi ăn cùng bàn với Tào Tháo. Đây là một vinh dự mà ngay cả cận vệ của vị quân chủ này là Điển Vi và Hứa Chử cũng không có.
Theo ghi chép trong lịch sử, Hạ Hầu Đôn tuy là mãnh tướng tài giỏi hơn người, nhưng có rất ít trận thắng. Nguyên nhân chủ yếu là do ông nôn nóng nên dễ rơi vào bẫy của kẻ địch. Thế nhưng, luận về võ nghệ, võ tướng này có tài năng khiến nhiều người phải nể sợ.
Trong Tam Quốc, có ba võ tướng rất nổi tiếng là Lã Bố, Quan Vũ và Triệu Vân. Cả ba đều có võ nghệ rất cao và là đại diện cho sức mạnh chiến đấu đỉnh cao của số ít danh tướng. Tuy nhiên, Hạ Hầu Đôn lại từng cả gan khiêu chiến Triệu Vân, đuổi giết Quan Vũ và tấn công Lã Bố.
Vào năm 194, tại trận Bộc Dương, khi Hạ Hầu Đôn đưa quân vận và tư trang đến cho gia quyến của Tào Tháo ở Yên Thành thì bất ngờ gặp Lã Bố. Hai bên đã xảy ra giao chiến. Tuy nhiên không ngờ Lã Bố vờ rút chạy về Bộc Dương và dùng mưu tập kích để cướp quân vận của Hạ Hầu Đôn. Mãnh tướng này còn bị Lã Bố bày kế bắt giữ làm con tin ngay trong doanh trại. Sau đó, nhờ có tướng dưới quyền dẫn quây tới giải vây nên Hạ Hầu Đôn được giải cứu.
Đến khi Tào Tháo bỏ Từ Châu và mang quân trở về lấy lại Duyện Châu, Hạ Hầu Đôn đi theo phò tá để đánh Lã Bố. Sau trận chiến này, ông bị tên lạc bắn trúng, mù mất một mắt, nên từ đó quân sĩ gọi ông là Manh Hạ Hầu.
Rõ ràng dù không thắng được Lã Bố, nhưng khả năng chiến đấu của Hạ Hầu Đôn cũng không thể xem thường.
Đầu năm 200, Hứa Chử và Từ Hoảng hợp sức cũng không địch nổi Quan Vũ trên đường ngăn cản vị tướng này trở về thành. Lúc bấy giờ, Hạ Hầu Đôn ra tay ngăn cản. Ba mãnh tướng của Tào Tháo bao vây Quan Vũ ở Thổ Sơn. Do nghĩ đến sự an toàn của gia quyến Lưu Bị nên Quan Vũ đành chấp nhận đầu hàng Tào Tháo.
Sau một thời gian ở dưới trướng của Tào Tháo và lập đại công báo đáp, Quan Vũ nghe được tin tức của Lưu Bị. Do đó, ông đã ngay lập tức hộ tống gia quyến của Lưu Bị, đơn thương độc mã vượt 5 ải, chém 6 tướng của Tào Tháo.
Khi nghe tin Quan Vũ chém nhiều tướng trên đường đi tìm Lưu Bị, Hạ Hầu Đôn dù đã hỏng một mắt nhưng vẫn dẫn kỵ binh đuổi đánh Quan Vũ. Hai bên giao chiến kéo dài mà vẫn bất phân thắng bại. May có sứ giả của Tào Tháo đến kịp thời để thông báo cho phép Quan Vũ qua ải nên mới chấm dứt được trận chiến này.
Ngoài ra, trong trận Bác Vọng năm 202, khi dẫn theo quân đến truy kích, Hạ Hầu Đôn đã khiêu chiến với Triệu Vân. Tuy nhiên, mãnh tướng này đã bị Triệu Vân đánh bại và buộc phải lui binh.
Mặc dù chưa thể đánh bại được Lã Bố, Quan Vũ hay Triệu Vân, nhưng việc Hạ Hầu Đôn từng nhiều lần giao chiến, không hề sợ hãi khi đơn đấu với các danh tướng trên đủ để thấy ông là một võ tướng rất dũng mãnh và thiện chiến.
Do bị mù một mắt và hiếm khi xuất hiện trực diện ở vị trí tiên phong trên chiến trường nên nhiều người thường đánh giá thấp năng lực của Hạ Hầu Đôn. Tuy nhiên, dựa theo những ghi chép trong lịch sử và sự thăng tiến của Hạ Hầu Đôn ở dưới trướng của Tào Tháo, võ tướng này nhất định là một người có tài nghệ hơn người. Nếu để ông thay thế Quan Vũ đánh Nhan Lương, chắc chắn có thể đánh bại mãnh tướng của Viên Thiệu.
Nếu Hạ Hầu Đôn có khả năng đánh bại Nhan Lương, vì sao Tào Tháo không dùng ông mà lại chọn Quan Vũ? Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân thực ra rất đơn giản. Khi xảy ra cuộc chiến ở Bạch Mã, Hạ Hầu Đôn đã bị mù một mắt. Hơn nữa, Hạ Hầu Đôn còn là người thân cận của Tào Tháo, đóng góp lớn cho nhà họ Tào, nên vị quân chủ này không thể nguyện ý để ông mạo hiểm.
Hạ Hầu Đôn cả đời hết lòng vì Tào Tháo và nhà Tào Ngụy. Theo Tam Quốc chí, sau khi mất, Hạ Hầu Đôn được phong tước là Trung hầu để tôn vinh lòng trung thành của ông.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu, Zhihu