Vào cuối thời Đông Hán, quần hùng khắp nơi nổi lên tranh cứ trong bối cảnh thiên hạ đại loạn. Tuy nhiên, chỉ có 3 thế lực vươn lên dẫn đầu, đó là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô. Ba "ông chủ" của các tập đoàn chính trị này lần lượt là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền.
So với Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị có hành trình khởi nghiệp không mới suôn sẻ. Lưu Bị tuy có xuất thân thuộc dòng dõi Hán thất, nhưng từ thuở nhỏ phải dàn giày cỏ kiếm sống, lớn lên từng bước tay trắng làm nên cơ nghiệp. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng. Sau đó, gặp lúc nhà Hán suy yếu và thiên hạ loạn lạc, Lưu Bị cùng với hai huynh đệ kết nghĩa là Quan Vũ, Trương Phi tự gây dựng lực lượng và bước vào cuộc tranh hùng.
Lưu Bị nhiều lần thất bại và phải nương nhờ dưới trướng của nhiều chư hầu đương thời như Công Tôn Toản, Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu. Tuy nhiên, sau khi được Gia Cát Lượng phò tá và vạch ra Long Trung đối sách để tranh thiên hạ, Lưu Bị đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp khi chiếm được Kinh Châu và gần trọn Ích Châu để là cơ sở dựng nghiệp, lập ra nhà Thục Hán, tạo thế chân kiềng nổi tiếng thời Tam Quốc.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, Lưu Bị mở đầu sự nghiệp bằng cuộc gặp gỡ với hai người Quan Vũ và Trương Phi. Cả ba đã kết nghĩa ở vườn đào và luôn đồng hành, vào sinh ra tử với nhau trong các cuộc chiến lớn nhỏ. Tuy nhiên, sự nghiệp của Lưu Bị có nguy cơ đổ vỡ, nhà Thục Hán bước vào giai đoạn suy yếu, cũng chính từ cuộc chiến chinh phạt Đông Ngô nhằm báo thù cho nhị đệ Quan Vũ và giành lại vùng đất trọng điểm là Kinh Châu.
Theo đó, vào năm 221, bỏ qua nhiều lời can gián của các đại thần như Triệu Vân, Tần Mật…, Lưu Bị quyết tâm thống lĩnh đại quân của Thục Hán đi đánh Đông Ngô. Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng, Lưu Bị đích thân dẫn tới 70 vạn quân tiến đánh Giang Đông, đồng thời giao cho thừa tướng Gia Cát Lượng giúp thái tử Lưu Thiện trấn giữ Thành Đô.
Đến đầu năm 222, quân Thục Hán tiến tới Di Lăng, Hào Đình. Khi đến giữa Tỉ Quy và Hào Đình, Lưu Bị ra lệnh lập mấy chục doanh trại bằng gỗ cây rừng. Việc lập liên trại ở khoảng cách xa như vậy là sai lầm của Lưu Bị, bởi đây là tối kỵ đối với nhà binh.
Trong khi đó, tướng của Đông Ngô là Lục Tốn dù chỉ có 5 vạn quân nhưng lại chọn cách thận trọng phòng ngự để chờ thời, tránh nhuệ khí của quân Thục.
Đến tháng 8 năm 222, Lục Tốn nắm bắt cơ hội, tập trung toàn bộ quân lực, đồng thời cho người châm lửa đánh úp đồng loạt vào liên trại của Lưu Bị. Quân Thục do bị đánh úp nên không kịp trở tay nên phải bỏ chạy. Lưu Bị cùng tàn quân cuối cùng chạy thoát về thành Bạch Đế. Quân Thục đại bại trong trận chiến ở Di Lăng, Thục Hán vì thế cũng chịu tổn thất nặng nề.
Theo các sử gia, trận Di Lăng có thể được coi là trận chiến làm thay đổi số phận của Thục Hán. Bởi trước trận chiến này, Thục Hán là một nước có đội quân hùng mạnh trong Tam Quốc, khiến hai đối thủ là Tào Ngụy và Đông Ngô phải kiềng nể.
Tuy nhiên, sau khi đại bại ở Di Lăng, quân Thục chịu tổn thất nặng nề. Sau cuộc chinh phạt Đông Ngô, có thể nói sức chiến đấu của quân Thục đã bị suy giảm nghiêm trọng. Thậm chí, vài năm sau, ngay cả khi Gia Cát Lượng nỗ lực đề ra hàng loạt chính sách để củng cố quốc phú, binh cường, nhưng sức chiến đấu của quân Thục vẫn chưa thể khôi phục được như thuở ban đầu.
Vậy, tại sao sau thất bại nặng nề ở Di Lăng, Lưu Bị lại nhất quyết chọn rút về thành Bạch Đế mà không phải Thành Đô, kinh đô của Thục Hán? Thậm chí, vị quân chủ của Thục Hán cũng qua đời tại đây sau đó không lâu.
Hóa ra Gia Cát Lượng đã sớm biết rõ nguyên nhân Lưu Bị chọn ở lại thành Bạch Đế. Đúng là thừa tướng kỳ tài đã nhìn thấu tâm tư của hoàng đế nhà Thục Hán.
Đâu là nguyên nhân Lưu Bị chọn ở lại thành Bạch Đế?
Theo Gia Cát Lượng, sau thất bại ở Di Lăng, Lưu Bị chọn ở lại thành Bạch Đế, không về Thành Đô, chủ yếu là do 3 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, trở về Thành Đô rất nguy hiểm.
Trong thời điểm Lưu Bị dẫn đại quân đánh Đông Ngô, Thục Hán thành lập chưa được bao lâu. Nội bộ Thục Hán có nhiều thế lực khác nhau, trong đó có nhóm người ở Ích Châu. Nếu Lưu Bị trở về Thành Đô ngay lập tức sau thất bại ở Di Lăng, lực lượng ở Ích Châu có thể phản công và chống đối. Đồng thời quân Đông Ngô có thể lợi dụng tình hình nội bộ Thục Hán bất ổn để tiến đánh đến Ích Châu. Thục Hán đến lúc đó cũng không tránh được kết cục diệt vong.
Thứ hai, Lưu Bị chưa hoàn toàn từ bỏ quyết tâm chinh phạt Đông Ngô.
Lưu Bị quyết tâm dẫn đại quân Đông chinh, bất chấp lời can gián của nhiều bá quan, văn võ. Chính vì vậy, sau khi thất bại ở Di Lăng, có thể vị quân chủ này cảm thấy không còn mặt mũi nào để đối diện với bá quan và dân chúng của Thục Hán, nên chỉ còn cách rút về thành Bạch Đế để cố thủ.
Hơn nữa, theo các sử giả nhận định, dường như Lưu Bị vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ quyết tâm chinh phạt Đông Ngô. Vị hoàng đế khai quốc của Thục Hán muốn rút về thành Bạch Đế để nghỉ ngơi, đồng thời ổn định lại quân đội, nhằm chuẩn bị cho đợt chinh phạt tiếp theo. Đáng tiếc, ông lại lâm bệnh nặng và qua đời sau khi rút về đây không lâu.
Thứ ba, Lưu Bị sức khỏe kém, không thể về Thành Đô.
Khi Lưu Bị thống lĩnh đại quân Thục tiến đánh Đông Ngô, ông đã nhiều tuổi, sức khỏe sớm đã không còn được như trước. Hơn nữa, trước khi xuất quân, Lưu Bị lại nhận tin Trương Phi qua đời đột ngột. Mất Kinh Châu, Quan Vũ và cả Trương Phi khiến Lưu Bị chịu nhiều đả kích. Mặt khác, vì nóng vội "báo thù", bỏ ngoài tai nhiều lời can gián, nên Lưu Bị mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi cầm quân.
Điều này dẫn tới thất bại nặng nề ở trận Di Lăng. Thất bại này đã giáng một đòn nặng nề khiến Lưu Bị suy sụp, lâm bệnh nặng, nên không thể trở về Thành Đô. Bản thân Gia Cát Lượng cũng sớm nhìn ra vấn đề sức khỏe của Lưu Bị.
Quả nhiên, đầu năm 223, Lưu Bị cảm thấy bệnh tình ngày càng trở nên nghiêm trọng nên cho người đến Thành Đô triệu tập thừa tướng Gia Cát Lượng đến gấp. Trước khi qua đời, Lưu Bị phó thác con trai Lưu thiện cho Gia Cát Lượng phò tá và dặn dò các con phải coi thừa tướng như cha. Lưu Bị qua đời sau thất bại ở trận Di Lăng.
Sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc nuối trong khi đại nghiệp phục hưng Hán thất và thống nhất thiên hạ của Thục Hán vẫn còn dang dở.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu