Trong Tam Quốc, so với Tào Tháo và Tôn Quyền, Lưu Bị là vị quân chủ có quá trình lập nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặc dù xuất thân từ dòng dõi Hán thất, song Lưu Bị đã gặp rất nhiều trở ngại để gây dựng cơ nghiệp giữa bối cảnh thiên hạ đại loạn lúc bấy giờ.
Giống như Tào Tháo, tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài là "kim chỉ nam" của Lưu Bị ngay từ những ngày đầu lập nghiệp. Trong quá trình này, bên cạnh các mưu sĩ tài ba như Gia Cát Lượng, Pháp Chính, Bàng Thống..., Lưu Bị còn được không ít võ tướng đương thời đi theo phò tá. Nhắc đến các võ tướng của Lưu Bị, nhiều người đều nhớ đến Quan Vũ, Trương Phi hay Triệu Vân. Tuy nhiên, có một mãnh tướng bí ẩn dù ít được nhắc tới trong sử sách nhưng lại có vai trò quan trọng với Lưu Bị và nhà Thục Hán.
Lưu Bị có quá trình lập nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn so với Tào Tháo và Tôn Quyền.
Người này tên là Trần Đáo (? - ?). Ông là một võ tướng dưới trướng của Lưu Bị. Trần Đáo tự là Thúc Chí, người của quận Nhữ Nam, Dự Châu. Trên thực tế, tài năng của Trần Đáo được đánh giá là không hề thua kém Triệu Vân trong lịch sử Tam Quốc.
Sở dĩ Trần Đáo không xuất hiện trong Tam Quốc diễn nghĩa vì vai trò, chiến tích, công trạng của ông đều đã được tổng hợp và tựu trung để mô tả Triệu Vân, danh tướng nổi tiếng với hai chiến tích lớn trong Tam Quốc.
Trần Đáo là mãnh tướng bí ẩn của Lưu Bị.
Theo ghi chép có phần mơ hồ trong chính sử, nếu như Tào Tháo có đội quân tinh nhuệ mang tên Hổ Báo kỵ, Lưu Bị cũng có một đội tinh binh với tên gọi là Bạch Nhị binh. Đây có thể được coi là một trong những đội quân bí ẩn nhất thời Tam Quốc. Nhiệm vụ của Bạch Nhị binh không phải là lao vào các trận chiến công khai. Thay vào đó, những binh lính thiện chiến này có nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ sự an toàn cho Lưu Bị, tương tự như Hổ Báo kỵ, đội quân cận vệ của Tào Tháo.
Mãnh tướng bí ẩn âm thầm bảo vệ Lưu Bị
Thủ lĩnh của Bạch Nhị binh chính là Trần Đáo
Dù có rất ít ghi chép về Bạch Nhị binh, nhưng có một chi tiết ghi lại người chỉ huy, vị tướng đứng đầu đội quân thiện chiến này chính là Trần Đáo. Đội quân Bạch Nhị binh do Trần Đáo đứng đầu luôn âm thầm đi theo bảo vệ cho Lưu Bị trong các trận đánh lớn nhỏ.
Trần Đáo thống lĩnh Bạch Nhị binh từng lập công lớn khi giúp Lưu Bị có thể an toàn rút về thành Bạch Đế sau khi trúng kế hỏa công của Lục Tốn, tướng của Đông Ngô, dẫn đến thất bại nặng nề ở Di Lăng vào tháng 8/222.
Theo các sử gia, Trần Đáo là một trong những mãnh tướng ưu tú dưới trướng của Lưu Bị, nhưng luôn chọn cách ẩn danh. Ông không đảm nhận bất kỳ chức vụ lớn nào và cũng hiếm khi lộ mặt. Thực chất đây là một cách để bảo vệ Lưu Bị.
Hơn nữa, việc Lưu Bị lựa chọn Trần Đáo là thủ lĩnh của Bạch Nhị binh cho thấy vị quân chủ này rất tín nhiệm mãnh tướng ẩn danh. Nhiệm vụ của Trần Đáo chính là tướng hộ vệ luôn theo sát và bảo vệ an toàn cho người đứng đầu Thục Hán là Lưu Bị. Do đó, với mức độ thân thiết và đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trên, có thể nói địa vị và vai trò của Trần Đáo thậm chí còn cao hơn cả Quan Vũ và Trương Phi.
Đương nhiên, vì Trần Đáo là tướng hộ vệ bí mật dẫn dắt đội quân Bạch Nhị binh, nên có rất ít người trong nội bộ Thục Hán biết rõ về ông.
Trần Đáo đi theo Lưu Bị ngay từ khi vị quân chủ này còn ở Dự Châu. Đến năm 223, sau khi Lưu Bị qua đời, con trai ông là Lưu Thiện kế vị. Tuy nhiên, vì Lưu Thiện còn nhỏ tuổi nên mọi chuyện lớn nhỏ trong ngoài Thục Hán đều được giao cho Gia Cát Lượng. Vị thừa tướng tài ba này đã có những sắp đặt mới về nhân sự trong nội bộ Thục Hán. Trong đó, Trần Đáo được phong làm Vĩnh An đô đốc, Chinh Tây tướng quân, được phong Đình hầu và dưới quyền của Lý Nghiêm.
Nhờ có Trần Đáo thống lĩnh Bạch Nhị binh, Lưu Bị mới có thể rút an toàn về thành Bạch Đế trong trận Di Lăng
Theo ghi chép trong Lý Nguyên truyện, đến năm Kiến Hưng thứ 4 (tức năm 226), Gia Cát Lượng dẫn binh ra Hán Trung, Lý Nghiêm được giao việc hậu cần nên đến đóng binh ở Giang Châu, giao cho Hộ quân Trần Đáo trấn thủ Vĩnh An.
Lai lịch của Trần Đáo rất mơ hồ vì có rất ít ghi chép trong sử sách về ông. Tuy nhiên, lai lịch và khả năng của mãnh tướng Trần Đáo và đội quân Bạch Nhị binh dần hé mở qua bức thư của Gia Cát Lượng gửi cho Lý Nghiêm. Trong thư có đoạn trích như sau: "Nếu ngài nghi ngờ binh lính ở Bạch Đế không tinh nhuệ thì nên nhớ Đốc tướng Đáo là Bạch Nhị binh ở dưới trướng của tiên đế, và đây cũng là đội quân thượng đẳng ở phía tây".
Địa vị và vai trò của Trần Đáo thậm chí còn được đánh giá là cao hơn cả Quan Vũ và Trương Phi
Theo lời lẽ trong đoạn trích trên, rõ ràng dù Trần Đáo ít được vinh danh và là một vị tướng bí ẩn, nhưng Gia Cát Lượng luôn ghi nhận vai trò và khả năng của ông cũng như Bạch Nhị binh trong quá trình bảo vệ sự an toàn cho Lưu Bị.
Trần Đáo mất trong khi vẫn đang đương chức. Nhà Thục Hán sau đó lấy Tông Dự thay thế. Theo ghi chép trong lịch sử, vì Tông Dự nhận chức Đồn kỵ hiệu úy vào năm 247, sau đó đi sứ Đông Ngô, đến khi trở về mới nhận chức ở Vĩnh Án, nên có thể xác định Trần Đáo mất sau năm 247.
Vì sao sử gia không dám viết về mãnh tướng bí ẩn của Lưu Bị?
Dù đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn cho Lưu Bị, nhưng Trần Đáo lại không được nhắc đến nhiều trong sử sách
Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ Trần Đáo không được nhắc đến nhiều hay lập truyện trong Tam Quốc chí, đồng thời không xuất hiện trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, không phải vì ông không có thực lực mà là do có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, Trần Đáo là tướng chỉ huy của Bạch Nhị binh, nhánh quân thường đảm nhận các nhiệm vụ hết sức cơ mật, đồng thời cần đảm bảo an toàn cho Lưu Bị, nên các sử gia có rất ít thông tin về ông để ghi chép lại.
Thứ hai, việc Trần Đáo có rất ít thông tin trong sử sách một phần là do ông. Các chuyên gia cho rằng có thể do Trần Đáo không đồng ý cho người lập truyện về mình nên có rất ít thông tin của ông được ghi chép một cách rõ ràng trong sử sách.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Sina, Baidu