Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn can dự vào tranh chấp Ấn Độ-Trung Quốc bằng cách “xung phong” làm trung gian hòa giải nhưng hai nước này đã từ chối và quay sang Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tình bạn giữa Nga với Ấn Độ đã có từ lâu và mối quan hệ của Nga với Trung Quốc cũng từng căng thẳng nghiêm trọng trong quá khứ. Tuy nhiên, hai mối quan hệ đã di chuyển theo hướng ngược nhau. Trong khi Ấn Độ đã chuyển sang quỹ đạo của Mỹ, Trung Quốc và Nga đã dần tiến gần nhau hơn.
Đó là những nhận định của một bài bình luận trên tờ LiveMint của Ấn Độ về quan hệ giữa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh New Delhi và Bắc Kinh đang đối đầu chết người ở biên giới. (Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của Tiền Phong-PV).
Theo tác giả, Nga là một quốc gia tương đối trẻ và Trung Quốc là một quốc gia rất già. Lần đầu tiên họ kết nối là vào thế kỷ 13, khi quân đội của Thành Cát Tư Hãn và những người thừa kế của ông hợp nhất cả hai thành đế chế tiếp giáp lớn nhất trong lịch sử.
Vào thế kỷ 15, triều đại nhà Minh cô lập Trung Hoa khỏi thế giới bên ngoài. Nga, cùng thời gian đó, bắt đầu bành trướng sau khi lật đổ sự cai trị của Mông Cổ.
Từ một nước không có gì đặc biệt ở Đông Âu, Nga đã phát triển không ngừng để trở thành quốc gia lớn nhất thế giới, trải dài đến tận Canada khi sáp nhập Alaska. Trong quá trình đó, Nga trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có chung đường biên giới với Trung Quốc.
Sau cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, Liên Xô đã hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản và khi đảng cộng sản Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc nội chiến kết thúc năm 1949, đây dường như là khởi đầu của một liên minh bền bỉ và mạnh mẽ.
Nhưng thay vào đó, mối quan hệ trở nên rối loạn và hiếu chiến. Lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin qua đời năm 1953 và sớm bị người kế nhiệm là Nikita Khrushchev lên án. Chủ tịch Mao Trạch Đông ở Trung Quốc coi đây là một sự trệch hướng khỏi chủ nghĩa Mác, lên án Khrushchev.
Sự chia rẽ đã gây ra những vết nứt trong các đảng cộng sản trên toàn cầu, và Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Đảng Cộng sản Ấn Độ tiếp tục tuân thủ Moscow, trong khi một phe ly khai, Đảng Cộng sản Ấn Độ (Marxist), đứng về phe Trung Quốc.
Tự định vị mình là quốc gia theo chủ nghĩa Mác thực sự, Trung Quốc lẽ ra phải đối lập hoàn toàn với quốc gia tư bản chủ nghĩa là Mỹ. Thay vào đó, dựa trên ý tưởng rằng kẻ thù của kẻ thù là một người bạn, Mao đã nồng nhiệt với Mỹ vào những năm 1970. Và như vậy, vào những năm 1990, Ấn Độ là một người bạn thân của Liên Xô và Trung Quốc có quan hệ thoải mái với Mỹ.
Trung Quốc và Nga đã phát triển hòa bình sau khi Liên Xô tan rã, giải quyết các tranh chấp biên giới từng căng thẳng như tình hình hiện tại ở Ladakh. Nhưng động lực giữa hai bên đã thay đổi đáng kể, vì Nga hiện là đối tác yếu thế hơn sau nhiều thập kỷ chiếm ưu thế.
Năm 1991, thu nhập bình quân đầu người của Nga là 3.485 đô la), trong khi Trung Quốc chỉ bằng 1/10 số đó, ở mức 334 đô la. Bây giờ Trung Quốc ở mức 10.000 và Nga ở mức 11.000, và đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc vượt lên. Với dân số đông đảo, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc hiện gấp 8,5 lần so với Nga.
Không cần phải nói, Trung Quốc thích thặng dư thương mại với nước láng giềng khổng lồ.
Bất chấp những nỗ lực của Vladimir Putin, đất nước của ông vẫn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, khí đốt và sự giàu có tự nhiên khác và cần một Trung Quốc thèm khát những sản phẩm này để giữ giá ở mức giúp họ cân bằng ngân sách.
Và mối quan hệ tình cảm tồn tại từ khi người Nga yêu thích phim tiếng Hindi và người Ấn Độ lớn lên đọc tạp chí Xô Viết đã suy yếu đáng kể. Vẫn còn thiện chí nhưng mối quan hệ đã chuyển sang giao dịch, với Ấn Độ bị ràng buộc phần nào miễn cưỡng với di sản vũ khí của Liên Xô.
“Chính phủ Ấn Độ vào ngày 15 tháng 6 tuyên bố mua thêm 21 máy bay chiến đấu MiG 29 và 12 máy bay Sukhoi Su-30 MKI. Nga sẽ bán chúng cho chúng tôi một cách vui vẻ nhưng họ cũng bán cho người Trung Quốc cùng loại máy bay đó”, bài báo của LiveMint viết.
“Bên cạnh đó, các phù thủy đánh cắp tài sản trí tuệ và kỹ thuật ở Trung Quốc đã có những bước tiến quan trọng đối với việc sản xuất máy bay chiến đấu bản địa. Nga sẽ không cung cấp cho chúng ta một lợi thế so với Trung Quốc trong một cuộc chiến tương lai, và cũng sẽ không đứng về phía chúng ta”, bài báo viết tiếp.
Cả Nga và Trung Quốc đều phải chịu đựng mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ và có thể các vấn đề thực ra còn tồi tệ hơn sự hỗn loạn do ông chủ hiện tại của Nhà Trắng gây ra. Một số nhà bình luận dự báo một trật tự thế giới phân cực sẽ xuất hiện trong thập kỷ tới, với Trung Quốc và Mỹ là trung tâm.
Nếu điều đó xảy ra, Ấn Độ có thể buộc phải chọn phe, lần đầu tiên trong lịch sử độc lập của mình, và với sự kiện trên biên giới vừa rồi, chọn phe nào là điều không khó hiểu.